Những năm trở lại đây, ngành giáo dục Việt Nam đã dần có những bước chuyển mình từ phương pháp truyền đạt dạng tiếp cận nội dung – mang tính hàn lâm và nặng về lý thuyết, sang đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Trong bối cảnh thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, việc đẩy nhanh định hướng trên thông qua giáo dục thông minh càng có nhiều tiềm năng để bứt phá. Trong bài tham luận dưới đây, tôi xin trình bày những ý kiến cá nhân về mối quan hệ, vai trò và cơ hội phát triển của giáo dục thông minh trong việc phát triển phẩm chất, năng lực người học, cụ thể cho ngành giáo dục tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Nền giáo dục của nước ta từ trước tới nay chủ yếu vẫn theo tiếp cận nội dung – cách nêu ra một danh mục đề tài, chủ đề của một lĩnh vực, môn học nào đó. Cách tiếp cận này chủ yếu dựa vào yêu cầu nội dung học vấn của một khoa học bộ môn nên thường mang tính “hàn lâm”, nặng về lý thuyết và tính hệ thống, nhất là khi người thiết kế ít chú ý đến tiềm năng, các giai đoạn phát triển, nhu cầu, hứng thú và điều kiện của người học. Điều này dẫn tới tình trạng phổ biến tri thức một chiều: thầy giảng, trò nghe; thầy đọc, trò ghi chép. Hệ lụy của hệ thống giáo dục này là người học không phát huy được tính sáng tạo do chỉ làm theo hướng dẫn của thầy, thiếu khả năng suy nghĩ độc lập và giải quyết các vấn đề thực tiễn, không có khả năng tự học và thói quen tự tìm tri thức để học, thiếu kỹ năng làm việc nhóm do học một cách thụ động.

Bước sang thế kỉ 21, do tốc độ phát triển của xã hội hết sức nhanh chóng với những biến đổi liên tục và sự tăng khối lượng tri thức một cách nhanh chóng, đặc biệt trong các lĩnh vực thông tin truyền thông, công nghệ vật liệu, điện/điện tử tự động hóa, phương pháp tiếp cận nội dung dần trở nên lạc hậu. Để chuẩn bị cho thế hệ trẻ đối mặt và đứng vững trước những thách thức của đời sống, vai trò của giáo dục ngày càng trở nên quan trọng. Thay đổi, sửa sang, cải tiến chương trình, thậm chí cải cách giáo dục đã được nhiều nước tiến hành. Xu thế thiết kế chương trình theo hướng tiếp cận năng lực được khá nhiều quốc gia quan tâm, vận dụng trong giai đoạn hiện nay.

Tiếp cận năng lực chủ trương giúp người học không chỉ biết học thuộc, ghi nhớ mà còn phải biết làm thông qua các hoạt động cụ thể, sử dụng những tri thức học được để giải quyết các tình huống do cuộc sống đặt ra. Nói cách khác phải gắn với thực tiễn đời sống. Nếu như tiếp cận nội dung chủ yếu yêu cầu người học trả lời câu hỏi: Biết cái gì, thì tiếp cận theo năng lực luôn đặt ra câu hỏi: Biết làm gì từ những điều đã biết.

Xây dựng, thiết kế chương trình giáo dục theo hướng tiếp cận năng lực người học là một xu thế tất yếu. Nó giúp người học có khả năng giải quyết các vấn đề thực tiễn ngay khi rời ghế nhà trường. Nói cách khác, đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội. Ngoài ra, với tiếp cận năng lực, người học sẽ được trang bị kỹ năng để có thể học cả đời. Đây là điều bắt buộc trong bối cảnh khối lượng tri thức tăng lên nhanh chóng như hiện nay.

Có rất nhiều cách thức để thực hiện việc xây dựng chương trình giáo dục đề cao việc tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực người học. Trong đó không thể không kể đến sự hỗ trợ của công nghệ – khái niệm được định nghĩa là giáo dục thông minh, hay giáo dục 4.0.  Giáo dục thông minh cung cấp cho người học chương trình học tập “mọi lúc, mọi nơi”, phù hợp với nhiều đối tượng đào tạo khác nhau (khả năng thích nghi cao), cá nhân hóa nội dung đào tạo. Giáo dục thông minh có sự ứng dụng rộng rãi công nghệ trong mọi hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, công tác quản lý, phương pháp dạy học hiện đại…

Sự “cá biệt hóa” cần thiết cho người học trong quá trình học tập, tu dưỡng và rèn luyện ở đại học được dựa trên năng lực tự tổ chức của cả cá nhân lẫn tập thể người học (tổ, nhóm, lớp) thông qua việc xác định rõ mục đích học tập của riêng mình – điều kiện tiên quyết cho phát triển năng lực của mỗi người học.

Trong quá trình học tập, nhất là tự học, cần phải trang bị công cụ để mỗi người học có thể tự trắc nghiệm kiến thức của mình thông qua việc giải quyết những bài tập, câu hỏi trắc nghiệm hay những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Trước những thông tin cần thiết cho người học đang có sẵn ở khắp nơi (sách, bài báo, tạp chí, website…) thì thách thức đặt ra là làm sao để khai thác và sử dụng một cách hiệu quả những kênh thông tin này bằng các công cụ, phương tiện hiện đại hiện có. Đó chính là mối quan hệ và vai trò của giáo dục thông minh trong việc mang lại các giá trị để tiếp cận người học theo hướng phát triển năng lực cá nhân và phẩm chất.

Đối với ngành giáo dục tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, việc tạo nền tảng và tiền đề để áp dụng giáo dục thông minh đã có những ghi nhận cụ thể. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2018 – 2019, khối công lập của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, 100% trường phổ thông tổ chức triển khai mô hình ứng dụng CNTT nâng cao. Qua hệ thống vnEdu, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị sử dụng cập nhật dữ liệu lên hệ thống, tạo một kênh liên lạc giữa phụ huynh và nhà trường. Với hiện trạng như trên, ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đủ điều kiện để hướng tới ứng dụng giải pháp, mô hình giáo dục thông minh và các giải pháp quản lý giáo dục thông minh.

Theo suy nghĩ cá nhân, để theo kịp xu hướng giáo dục thông minh, ngành giáo dục Bà Rịa – Vũng Tàu có thể thực hiện ngay việc đào tạo nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên – cái mà tôi nghĩ còn chưa đồng đều giữa các khối trường và chức năng. Việc phổ cập và nâng cao kiến thức về công nghệ này sẽ mở ra nhiều không gian để sáng tạo, đổi mới và khơi nhiều cảm hứng hơn cho những người làm về giáo dục.

Sau những ý kiến đã trình bày, trọng tâm của hệ thống giáo dục phải tập trung vào việc phát triển phẩm chất và năng lực người học, dựa trên môi trường công nghệ thông tin, truyền thông tối ưu nhất. Vì giáo dục thông minh hỗ trợ rất nhiều trong việc khai phá tiềm năng phát triển, tối ưu việc vận hành quản lý và hứa hẹn mang đến một bức tranh tươi đẹp cho ngành giáo dục Việt Nam./.