ĐBCLlà những quan điểm, chủ trương, chính sách, mục tiêu, hành động, công cụ, quy trình và thủ tục mà thông qua việc sử dụng chúng có thể đảm bảo rằng sứ mạng và mục tiêu đang được thực hiện, các chuẩn mực đang được duy trì và nâng cao (SEAMEO, 2002). ĐBCL là thuật ngữ chung, đề cập đến các biện pháp và cách tiếp cận được sử dụng để nâng cao chất lượng đào tạo (SEAMEO, 2003).
Trong đào tạo nghề (ĐTN), ĐBCL là một quá trình liên tục: thiết lập, xây dựng hệ thống quản lý, đánh giá, kiểm soát, duy trì, khắc phục và cải tiến nhằm nâng cao chất lượng đào tạo để đạt được mục đề ra của các doanh nghiệp.
1. Mục đích của hoạt động ĐBCL trong ĐTN (The purpose of quality assurance activities in Vocational training)
ĐBCL với mục đích phòng chống sai phạm ngay từ khâu đầu tiên, đảm bảo rằng không có sản phẩm bị lỗi sau quá trình đào tạo; hay giúp cho tổ chức làm đúng ngay từ đầu, làm đúng tại mọi thời điểm; hoặc tìm ra các lỗi và khắc phục ngay.
ĐBCL là cơ sở cho hoạt động cải thiện chất lượng giáo dục đào tạo,nhằm đánh giá và phục vụ cho mục đích nâng cao chất lượng; là yếu tố quan trọng tác động trực tiếp đến việc cải cách, đổi mới và hoạch định tương lai của các (CSDN). Với vai trò đa dạng của mình, ĐBCL đem lại lợi ích cho cả quốc gia,đáp ứng mong đợi của cộng đồng xã hội đối với CSDN.
ĐBCL tăng cường tính linh hoạt của hệ thống dạy nghề (DN). Mỗi bộ tiêu chuẩn quốc gia và quá trình áp dụng các chuẩn trong ĐBCL sẽ góp phần tăng cường năng lực của quốc gia đó trong việc xây dựng những cơ sở dữ liệu so sánh trong toàn bộ hệ thống GD-ĐTcủa mình cũng như khả năng liên thông giữa các bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Trong bối cảnh hiện nay, số lượng các quốc gia thực hiện ĐBCL đã tăng đáng kể. Hoạt động ĐBCL trở thành công cụ được sử dụng hết sức rộng rãi, giúp người học và các nhà tuyển dụng có được những thông tin quan trọng về chất lượng của một CSDN và chất lượng của cả hệ thống giáo dục nghề nghiệp
2. Các thành tố cơ bản của ĐBCL trong DN hiện nay (The basic elements of quality assurance in Vocational training today)
Ở Việt Nam,ĐBCL trong DNcó 03 thành tố chính:
– ĐBCL bên trong(Internal quality assurance):Được thực hiện thông qua hệ thống ĐBCL bên trong CSDN để ngăn ngừa và xử lí các lỗi xuất hiện trước và trong quá trình đào tạo, bao gồm việc như: xây dựng, thực hiện, đánh giá, cải tiến thường xuyên các chuẩn về chất lượng từ các yếu tố: đầu vào, đầu ra, quá trình.
– Tự kiểm định(Self-inspection):Đây là hoạt động tự đánh giá của chính CSDN căn cứ vào hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng DN do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành để chỉ ra các mặt mạnh, mặt yếu, từ đó xây dựng kế hoạch và các biện pháp thực hiện nhằm đáp ứng mục tiêu đã đề ra.
-ĐBCL bên ngoài (External quality assurance) bao gồm các hoạt động kiểm định chất lượng DN, hoạt động kiểm tra, giám sát định kì, đột suất của các cơ quan có thẩm quyền.
Trên thế giới, đặc biệt là ở Anh Quốc,trong ĐTNhiện nay đang áp dụng 3 hình thức ĐBCL chủ yếu là:
– Đánh giá chất lượng (QualityAssessment: Làđánh giá các hoạt động dạy – học và các sản phẩm đầu ra trên cơ sở xem xét chi tiết cấu trúc chương trình giảng dạy, hiệu quả đào tạo của nhà trường. Đánh giá chất lượng được sử dụng để xác định liệu nhà trường hay chương trình đào tạo có đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn chung hay không (CHEA, 2001).Đánh giá sẽ tập trung vào câu hỏi “Kết quả các hoạt động như thế nào”. Hoạt động đánh giá đơn thuần thường không bao gồm mục đích cải thiện chất lượng vốn được coi rất cần thiết trong bối cảnh phát triển các hoạt động bảo đảm chất lượng hiện nay.
– Kiểm toán chất lượng (Quality Audit): được hiểu là một quá trình kiểm tra nhà trường có hay không có một quy trình ĐBCL cho các hoạt động đào tạo và các hoạt động liên quan? Quy trình đó có được thực hiện không và thực hiện có hiệu quả như thế nào? (AUQA, 2001).Kiểm toán chất lượng thường hay đặt câu hỏi “Bạn đã thực hiện những gì mình tuyên bố tốt đến mức độ nào”. Vì vậy mà hiện nay quá trình kiểm toán chất lượng chỉ được phổ biến trong những hệ thống giáo dục đã có từ lâu đời và các cơ sở đào tạo của nó vốn có truyền thống thực hiện tự đánh giá.
– Kiểm định chất lượng (Accreditation): là hoạt độngnhằm đánh giá, xác định mức độ thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo đối với các cơ sở đào tạo.
3. Vai trò của ĐBCLvề việc xây dựng niềm tin của xã hội đối với công tác DN trong gian đoạn hiện nay(The role of quality assurance for building confident of Society with Vocational training activities nowadays)
Theo chiến lược phát triển DN giai đoạn 2011 – 2020, các CSDN phải chịu trách nhiệm ĐBCL đào tạo của mình, phải đảm bảo chuẩn hóa “đầu vào” và “đầu ra”. Như vậy, các CSDN được tự chủ trong việc ĐBCL đào tạo của mình và phải có trách nhiệm với các dịch vụ mình cung cấp cho xã hội. Điều này làm cho các trường năng động, tự chủ hơn trong hoạt động của mình, tuy nhiên cũng sẽ đưa ra một vấn đề là làm thế nào để duy trì được tính bền vững, ổn định đối với chất lượng đầu ra của từng trường, đồng thời có được sự đồng đều về chất lượng đầu ra của toàn bộ các trường trong hệ thống DN, góp phần tạo niềm tin cho xã hội và người học đối với sản phẩm dịch vụ của các trường.
Để thực hiện yêu cầu này, Việt Nam đang triển khai các giải pháp đồng bộ như: xây dựng khung trình độ quốc gia (trong đó có khung trình độ nghề quốc gia), ban hành các bộ chuẩn kĩ năng nghề quốc gia, xây dựng chương trình đào tạo dựa trên chuẩn kĩ năng nghề quốc gia, xây dựng chuẩn đầu ra dựa trên khung trình độ nghề quốc gia…. Cấp văn bằng, chứng chỉ đào tạo trong DN cũng sẽ có nhiều sự đổi mới đã được đưa vào dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp trình Quốc hội trong tháng 11/2014, theo đó sẽ không còn kỳ thi tốt nghiệp cuối khóa mà việc cấp văn bằng chứng chỉ theo hình thức xét công nhận tốt nghiệp trên cơ sở người học đạt yêu cầu tất cả các mô đun, môn học. Tuy đã có những giải pháp khá đồng bộ nêu trên, nhưng để các khâu trong quá trình đào tạo của trường hoạt động đồng bộ, ổn định, luôn cập nhật, phát triển phù hợp với yêu cầu của thực tiễn lại là một vấn đề cần phải được giải quyết. Do đó, với chức năng là xác định, xây dựng và vận hành chính sách, thủ tục, quy trình, hành động và thái độ nhằm đạt được, duy trì, giám sát và củng cố, thực hiện việc xây dựng hệ thống ĐBCL sẽ giúp nhà trường thực hiện tốt ở tất cả các khâu trong một quá trình đào tạo.
Đối với trường DN, để ĐBCL đào tạo, các yếu tố ĐBCL cần thiết cho quá trình ĐTN phải xây dựng phù hợp. Các yếu tố ĐBCL bao gồm: Chương trình, giáo trình; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí; cơ sở vật chất, trang thiết bịvà công tác quản lí.
Các yếu tố này phải luôn luôn phù hợp với nhau. Phương pháp giảng dạy tương ứng với thiết bị dạy và học và giáo viên phải có trình độ để tiến hành việc giảng dạy theo phương pháp giảng dạy được áp dụng. Vì vậy, để ĐBCL đào tạo, bốn yếu tố trên phải được đảm bảo đồng thời và để làm được điều này, cần có hệ thống quản lí chi phối và đồng bộ hóa 4 yếu tố.
Theo đánh giá của Cục Kiểm định chất lượng DN và của một số trường đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001- 2008, nội dung quản lí thường bao gồm từ 80 – 90 nội dung. Như vậy có thể thấy, để xây dựng được một hệ thống ĐBCL đầy đủ cho một CSDN là một công việc đồ sộ, đòi hỏi nguồn lực rất lớn.
Một yếu tố không nhỏ tác động tới chất lượng ĐTN là môi trường bên ngoài. Các yếu tố tác động bao gồm: Điều kiện KT-XH, thể chế chính sách cho ĐTN, các đối tác xã hội của ĐTN … Vì vậy khi xây dựng hệ thống quản lí chất lượng nào tại trường DN, phải đảm bảo trước hết phù hợp với hệ thống luật pháp và các quy định về DN, sau đó mới đến việc phù hợp với từng trường cụ thể.
Có rất nhiều mô hình quản lí chất lượng có thể áp dụng cho GD-ĐT như mô hình ĐBCL Australia, mô hình quản lí chất lượng quốc gia Malcolm Baldridge – Hoa Kì, mô hình quản lí chất lượng Châu Âu, mô hình quản lí chất lượng ISO 9001/2008, mô hình quản lí chất lượng Nam Phi, Scolent. Việc lựa chọn mô hình áp dụng tại từng nước, từng cơ sở đào tạo phụ thuộc vào các điều kiện thực tế và các quy định của mỗi quốc gia và mỗi cơ sở đào tạo.
Ngoài ra, kết hợp với ĐBCL bên ngoài, sự ổn định của chất lượng đầu ra sẽ được đảm bảo và khẳng định, từ đó xã hội và các đối tác liên quan tới nhà trường sẽ tin tưởng hơn vào văn bằng, chứng chỉ của CSDN.
4. Một số biện pháp nâng cao hoạt động ĐBCL DN trong bối cảnh hiện nay(The solutions to improve the quality assurance activities in Vocational training nowadays)
Không phải lãnh đạo CSDN nào cũng nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của hoạt độngĐBCLtại đơn vị mình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho chất lượng đào tạo của các trường DN không được như mong muốn và cách thức hoạt động của các trường rất đa dạng, tùy thuộc vào sự quan tâm và nhận thức của từng trường. Do vậy, trong bối cảnh cảnh hiện nay để hoạt động này thực sự có hiệu quả chúng ta cần phải chú trọng một số vấn đề sau:
4.1. Xây dựng hệ thống quản lí chất lượng của CSDN:(build the quality management system in the vocational training institutions):Mục tiêu xây dựng được mô hình khung hệ thống quản lí, ĐBCLDN phù hợp với điều kiện thực tiễn DN Việt Nam. Hệ thống quản lí, ĐBCL DN của CSDN phải đảm bảo một số nguyên tắc: Mang tính hệ thống, hiện đại, nhấn mạnh vai trò của nhà quản lí, gắn kết sự tham gia của tất cả các thành viên trong tổ chức, tiếp cận theo quá trình, được xây dựng trên cơ sở pháp lí, được kiểm tra, giám sát thường xuyên và cải tiến liên tục tiếp cận theo nguyên tắc của hệ thống quản lí chất lượng tổng thể TQM.
4.2. Tăng cường công tác tự kiểm định và đánh giá ngoài đối với các cơ sở ĐTN(Strengthen self-evaluation and external assessment for vocational training institutions): Hàng năm các CSDN cần thực hiện nghiêm túc công tác tự kiểm định, tổ chức DN tăng cường việc đánh giá ngoài, qua đó đánh giá khách quan các điểm mạnh và điểm yếu, trên cơ sở đó cần bàn bạc thống nhất, để đưa ra các quyết sách nhằm phát huy được những ưu điểm, khắc phục nhược điểm để người học sau khi ra trường đáp ứng được sựkì vọng của xã hội.
4.3. Xây dựng bộ công cụ đánh giá chất lượng đào tạo qua từng môn hoc/mô đun(Construct the tools of training quality assessment through individual courses / modules): Tại các CSDN cần thành lập các bộ phận chuyên trách về công tác ĐBCL, ví dụ như trung tâm Khảo thí và ĐBCL, nhằm đánh giá khách quan hoạt động đào tạo qua các hình thức như: Tổ chức thi kết thúc mô học/mô đun, thi cấp chứng chỉ, thi tốt nghiệp, … kết quả đánh giá là cơ sở để tích mức lương chi trả cho từng giáo viên; Kết quả của việc kiểm định là căn cứ để xếp loại của cá nhân cũng như của đơn vị.
4.4. Sử dụng sổ ghi đầu bài (Use the beginning docket):giúp quản lí hoạt động giảng dạy của GV từ phía người học. Biện pháp này làm tăng tính khách quan trong các biện pháp quản lí quá trình ĐT và làm cho thông tin quản lí phong phú đa dạng hơn. Thông qua sổ ghi đầu bài các đơn vị quản lí hoạt động dạy và học kiểm soát được tiến độ ĐT, nắm bắt được các thông tin về học tập trong từng tiết học, từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời để đạt được hiệu quả tốt hơn trong công tác ĐT.
Sổ ghi đầu bài không nằm trong quy định của Quyết định số 62/QĐ/2008-BLĐTBXH ngày 14/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh – Xã hội về việc ban hành biểu mẫu, sổ sách quản lí dạy và học trong ĐT nghề. Vì vậy, muốn triển khai thì phải thông qua Hội đồng trường.
4.5. Thường xuyên dự giờ của GV trong năm học (Regularly attend the hours of teacher during the school year): Thông qua nhữnghình thức này, giáo viên không những được học tập nhau qua các giờ giảng trên lớp mà còn có thể giám sát về: nội dung, phương pháp, tiến độ giảng dạy,… của đồng nghiệp. Bên cạnh đó, có những thông tin khách quan về chất lượng, trình độ và kĩ năng giảng dạy của từng giáo viên. Để từ đó, tìm ra những biện pháp để khắc phục nhược điểm giảng dạy trên lớp.
4.6. Quản lý, xử lícác thông tin phản hồi của người học và các doanh nghiệp sử dụng lao động một cách tức thời(Manage and process the feedback of learners and employers immediately):Thường xuyên lấy ý kiến phản hồi của người học về các môn học/mô đun, đây là một kênh thông tin quan trọng giúp các CSDN phát huy được các ưu điểm, chỉnh sửa, khắc phục được các hạn chế một cách kịp thời thời. Qua các doanh nghiệp sử dụng lao động các CSDN sẽ thấy rõ mức độ ảnh hưởng của các nhân tố theo đánh giá của người sử dụng lao động đối với chất lượng đào tạo.
4.7. Thành lập các tổ chức ĐBCL(Establish the groups of external assessment independently):gồmcác trung tâm kiểm định chất lượng DN thuộc Cục Kiểm định chất lượng DN và một số trung tâm kiểm định chất lượng DN khác do các tổ chức và cá nhân thành lập.
Khổng Hữu Lực- Phạm Vũ Quốc Bình
Bài đã được đăng trên “Tạp chí giáo dục” số 376 (Kỳ 2-2/2016) |