Đào tạo nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế
Ngày 31 tháng 12 năm 2015 là thời điểm các nước trong khu vực ASEAN hội nhập về lao động trong một số ngành nghề, trong đó có ngành du lịch. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp du lịch đang hoạt động ở Việt Nam có quyền tuyển chọn lao động cả từ trong và ngoài nước ,đồng thời người lao động Việt Nam trong lĩnh vực du lịch có quyền đi làm việc ở các nước trong khu vực. Đây là cơ hội nhưng cũng là những thách thức không nhỏ đối với nguồn nhân lực lao động trong ngành du lịch Việt Nam.
NGƯT. TS. Phùng Đức Vinh
Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Du lịch Vũng Tàu

  • Những thuận lợi và thách thức khi hội nhập quốc tế

Để có cơ sở đánh giá những mặt thuận lợi và khó khăn khi ngành du lịch hội nhập khu vực ASEAN, chúng ta cùng điểm qua tốc độ tăng trưởng cũng như nguồn nhân lực lao động của ngành du lịch Việt Nam trong những năm qua.

Bảng 1: Số lượng khách, doanh thu và tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam (giai đoạn 2005-2015)

Năm Số lượng khách quốc tế(1000 người) và tốc độ tăng trưởng (%) Số lượng khách nội địa(1000 người) và tốc độ tăng trưởng(%) Doanh thu(nghìn tỷ đồng) và tốc độ tăng trưởng(%)
2005    3.477            (18,67%)      16.100         (11,0%)  30.000      (15,4%)
2006    3.585              (3,5%)     17.500           (8,7%)  51.000      (70%)
2007    4.229            (18,02%)     19.200           (9,7%)  56.000       (9,8%)
2008    4.236              (0,15%)     20.500           (6,8%)  60.000     (25,0%)
2009    3.747           (-11,5%)     25.000           (22%)  68.000     (13,3%)
2010    5.049            (34,76%)     28.000           (12%)  96.000     (41,2%)
2011    6.014            (19,09%)     30.000           (7,1%) 130.000    (35,4%)
2012    6.848            (13,86%)     32.500           (8,3%) 160.000    (23,1%)
2013    7.572            (10,58%)     35.000           (7,7%) 200.000    (25,0%)
2014    7.874             (3,99%)     38. 500         (10,0%) 230.000    (15,0%)
2015   7.944              (0,88%)     57.000          (48,0%) 337.880    (46,0%)-theo cách tính mới

Nguồn : Tổng cục Du lịch

Bảng 2:         Doanh nghiệp (DN) lữ hành quốc tế giai đoạn 2005-2015

Loại hình 2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015
DN nhà nước 119 94 85 69 68 58 13 9 9 8 7
Trách nhiệm hữu hạn 222 276 350 389 462 527 621 731 845 949 1.012
Cổ phần 74 119 169 227 249 285 327 371 428 474 475
DN tư nhân 3 4 4 4 4 5 4 6 8 9 10
Liên doanh 10 11 12 12 12 13 15 15 15 15 15
Tổng số 428 504 620 701 795 888 980 1.132 1.305 1.456 1.519

Nguồn : Tổng cục Du lịch

Bảng 3 :   Số lượng lao động trong ngành du lịch Việt Nam (phân theo trình độ và loại hình tổ chức)

( Tính đến ngày 30/6/2015)

TT Trình độ đào tạo Cơ quan quản lý nhà nước Đơn vị sự nghiệp công lập(NS 100%) Đơn vị sự nghiệp công lập có thu Đơn vị sự nghiệp ngoài công lập Doanh nghiệp Tổng cộng
1 Tiến sỹ khoa học 4 3 0 0 0 7
2 Tiến sỹ 24 3 41 0 3 83
3 Thạc sỹ 511 111 474 12 1372 2606
4 Đại học 2.846 1.953 3.249 213 98.886 107.831
5 Cao đẳng 125 196 705 59 92.574 93.451
6 Trung cấp 73 196 784 50 176.173 176.714
7 Khác 13 895 1.196 2.421 218.435 222.908
Tổng cộng 3.230 3.793 7.313 3.138 586.126 603.600

Nguồn: Bộ VHTTDL

 

Ngành Du lịch Việt Nam mặc dù thành lập cách đây gần 56 năm ( thành lập ngày 9/7/1960) nhưng chỉ thực sự phát triển và trở thành một ngành kinh tế độc lập từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Qua các bảng 1; 2; 3 chúng ta có thể nhận thấy:

1-Tốc độ tăng trưởng khách du lịch nội địa là khá cao và đều qua các năm ( trên dưới 10% /năm). Điều đó chứng tỏ đi du lịch trong và ngoài nước đang trở thành một nhu cầu trong đời sống của người dân Việt Nam.

2- Tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế 3 năm gần đây rất thấp, chỉ đạt 7,5-8,0 triệu khách/năm, rất nhỏ so với các nước ASEAN xung quanh ta (năm 2015, Việt Nam chỉ có gần 8 triệu khách quốc tế trong khi đó năm 2014 Malaysia đã đón tới 27,4 triệu lượt khách, Singapore 15,1 triệu lượt, riêng Thái Lan năm 2014 đón 24,8 triệu và năm 2015 đón xấp xỉ 30 triệu lượt khách quốc tế) . Điều này báo hiệu Việt Nam không còn là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch quốc tế, rất ít khách quốc tế thuần túy đi du lịch quay trở lại Việt Nam ( vì giá cao nhưng chất lượng dịch vụ không tương xứng, sản phẩm du lịch còn đơn điệu… ) .

3-Nguồn lao động đang làm việc trong ngành du lịch Việt Nam không qua đào tạo ( hoặc chỉ đào tạo ở trình độ sơ cấp) chiếm tới 36,93%  trong tổng số hơn 600.000 người lao động trực tiếp trong ngành du lịch, đấy chưa kể số lao động du lịch gián tiếp ( xấp xỉ 1 triệu người) chủ yếu chưa qua đào tạo. Điều này cho thấy chất lượng nguồn nhân lực lao động trong ngành du lịch Việt nam còn rất yếu và thiếu, rất khó cạnh tranh với lao động nước ngoài khi hội nhập kinh tế khu vực ASEAN.

4- Số lượng doanh nghiệp cổ phần, có vốn đầu tư nước ngoài tăng rất nhanh, hầu hết các doanh nghiệp du lịch, các khách sạn , resort  đẳng cấp từ  3- 5 sao ở Việt Nam đều có cổ phần hoặc 100% vốn nước ngoài, do người nước ngoài điều hành (năm 2015 Việt Nam có 18.800 cơ sở lưu trú với  335.000 buồng ngủ đạt chuẩn, trong đó có 91 khách sạn 5 sao, 215 khách sạn 4 sao, 441 khách sạn 3 sao với tổng số 82.328  buồng ngủ  đạt chuẩn từ 3-5 sao) . Việc giảm mạnh số doanh nghiệp nhà nước, tăng nhanh số lượng doanh nghiệp cổ phần có vốn nước ngoài đã mang lại một làn gió mới trong lành cho ngành du lịch Việt Nam . Thế nhưng một khi hội nhập quốc tế thì các ông chủ nước ngoài khi phỏng vấn tuyển dụng thường ưu tiên chọn những người lao động có tay nghề cao, có khả năng giao tiếp ngoại ngữ và nhất là có tinh thần học hỏi,  cầu thị,  giao tiếp văn minh và có thái độ phục vụ tốt. Những yêu cầu trên lại là những điểm yếu của người lao động Việt Nam nói chung và lao động trong ngành du lịch nói riêng , vì vậy cơ hội được tuyển dụng, làm việc trong các doanh nghiệp có ông chủ là người nước ngoài đối với người Việt nam thật nhỏ bé, nhất là ở các vị trí cao trong các doanh nghiệp du lịch đẳng cấp quốc tế.

II-Đổi mới hoạt động đào tạo-giải pháp đáp ứng yêu cầu hội nhập

Để vượt qua những thách thức trên, để hội nhập quốc tế , không thua ngay trên sân nhà và người Việt Nam có cơ hội làm việc ở các doanh nghiệp du lịch trong khu vực ASEAN và thế giới, điều then chốt là cần phải đào tạo nguồn nhân lực lao động trong ngành du lịch có chất lượng cao ( cả về kỹ năng nghề và ý thức lao động ). Cụ thể  :

1-Đối với các cơ sở đào tạo – như một chiếc máy cái cung cấp nguồn nhân lực lao động cho ngành du lịch,  cần phải được đầu tư một cách đồng bộ cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy hiện đại, chương trình giảng dạy hội nhập quốc tế, đáp ứng được yêu cầu của xã hội và các doanh nghiệp, đội ngũ giảng viên đạt chuẩn quốc tế cả về tay nghề, kinh nghiệm thực tiễn và ngoại ngữ .

2-Đối với người học ( học sinh-sinh viên hệ chính quy và học viên các lớp bồi dưỡng ngắn hạn tại doanh nghiệp và tại cơ sở đào tạo) cần được rèn luyện thật tốt các kỹ năng :

a-Kỹ năng nghề nghiệp (tùy theo từng cấp độ đào tạo mà cần phải thành thạo các kỹ năng phục vụ ,cao hơn là các kỹ năng lập kế hoạch,  tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp …).

b-Kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn minh , chuyên nghiệp.

c-Có khả năng giao tiếp bằng ngọai ngữ với khách nước ngoài.

d-Có ý thức lao động tốt, cầu thị, có tinh thần hợp tác, tập thể , làm việc theo nhóm.

3- Quan trọng hơn , để nguồn nhân lực lao động đáp ứng được nhu cầu của xã hội thì nhà trường phải gắn kết với các doanh nghiệp du lịch. Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp du lịch sẽ là nơi thực tập và làm việc bán thời gian của HS-SV ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, doanh nghiệp sẽ được mời cùng tham gia xây dựng , cập nhật chương trình đào tạo và giảng dạy trong nhà trường, giáo viên của trường và lãnh đạo, trưởng các bộ phận trong doanh nghiệp thường xuyên trao đổi, làm việc cùng nhau …  .

Chúng tôi cho rằng đổi mới hoạt động đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao chính là giải pháp then chốt để ngành du lịch Việt Nam hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.