DỊCH VỤ GIAO HÀNG TRỰC TUYẾN VÀ ẨM THỰC CAO CẤP

SỰ KẾT HỢP TIỀM NĂNG THỜI KÌ HẬU COVID-19 TẠI VIỆT NAM

Phạm Xuân Quyết1*, Lê Thị Kiều Oanh1, Lê Thị Lan Anh1, Lê Thị Minh Anh1,

Nguyễn Thị Ngọc Sang1, Nguyễn Thanh Hảo1

1 Trường Đại học Thủy Lợi – Phân hiệu Miền Nam, TPHCM

* [email protected]

Tóm tắt

Dịch vụ giao hàng trực tuyến đang trở nên rất thịnh hành, đặc biệt là trong và sau thời kì đại dịch Covid-19. Đây là cơ hội dành cho những doanh nghiệp kinh doanh ăn uống (F&B) duy trì hoạt động trong mùa dịch. Bài viết này nghiên cứu trên thị trường dịch vụ ăn uống cao cấp khi kết hợp với giao hàng trực tuyến trong bối cảnh hậu Covid. Sự kết hợp này còn khá mới mẻ với ẩm thực cao cấp bởi vì khách hàng đã quá quen thuộc với cách phục vụ truyền thống tại nhà hàng. Nghiên cứu tập trung đánh giá thực trạng việc kết hợp ngành ẩm thực cao cấp với dịch vụ giao hàng trực tuyến thông qua việc tổng hợp tài liệu liên quan và đề ra một số hướng đi mới cho ngành dịch vụ tiềm năng này.

Từ khóa: Ẩm thực cao cấp, dịch vụ giao hàng trực tuyến, hậu Covid-19, Việt Nam.

  1. Giới thiệu chung

Trong những năm gần đây, với sự phát triển của điện thoại thông minh và mạng internet đã giúp cho dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến ở Việt Nam ngày càng tăng trưởng (Hoàng Dương, 2019; Minh Dũng, 2018). Nhanh nhạy trước cơ hội kinh doanh mới lạ, chỉ trong một đến hai năm qua, thị trường giao đồ ăn nhanh tại Việt Nam đón nhận rất nhiều tên tuổi mới như Grab, Be, Gojek, Now, hay Baemin đáp ứng được nhu cầu đa dạng khác nhau của khách hàng (Nguyễn Mai, 2020). Khách hàng mục tiêu của dịch vụ đặt giao đồ ăn đa phần là người trẻ từ học sinh, sinh viên, dân văn phòng hay đến cả những bà nội trợ. Nhóm khách hàng này thành thạo công nghệ, thích những trải nghiệm mới lạ. Xu hướng này có thể nhìn thấy rõ ràng nhất tại các thành phố lớn hiện đại như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác, nơi tập trung nhiều công ty về dịch vụ trực tuyến, công nghệ cao (Mỹ Hảo, 2021). Chính nhờ khả năng phục vụ lượng lớn khách hàng, ngành dịch vụ đặt món và giao hàng qua ứng dụng ngày một phát triển và thay đổi cách thức mua bán của thị trường nhanh chóng. Thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam có giá trị quy mô 33 triệu USD trong năm 2018, dự kiến sẽ đạt quy mô khoảng 38 triệu USD vào năm 2020 và duy trì mức tăng trưởng bình quân 11% trong 5 năm tới (Phương Nhung, 2018).

Từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến trở thành dịch vụ được sử dụng phổ biến (PwC, 2021). Theo Báo Thanh niên (2021), các nhà hàng cung cấp các món ăn khác nhau cho thực khách thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh một cách nhanh chóng, tiện dụng và đa dạng. Trước tác động của dịch bệnh khiến người dân ngại đến những nơi đông đúc như quán ăn, nhà hàng bán đồ ăn online như một giải pháp “sống chung với lũ” được nhiều nhà hàng, quán ăn lựa chọn để hoạt động trong mùa dịch. Dịch bệnh đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân (Bộ Công thương, 2021), điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp, nhà hàng phải chọn chuyển hướng sang hình thức kinh doanh trực tuyến (online) để đáp ứng nhu cầu khách hàng và duy trì doanh thu do lượng khách hàng đến ăn giảm sút. Đại dịch xảy ra khiến không ít các quán ăn, nhà hàng đang phải điêu đứng vì bị đóng cửa, hạn chế giờ mở cửa suốt nhiều tháng (Phan Anh, 2021). Các nhà hàng ẩm thực sang trọng được gắn sao cũng không phải ngoại lệ. Ngành ẩm thực cao cấp cũng đang phải dần thay đổi cách thức hoạt động để có thể tiếp tục trụ lại trước sự biến động của thị trường khi xu hướng ẩm thực tại gia đang được ưa chuộng.

Khi khách hàng lo lắng về mức độ an toàn nơi công cộng thì nhu cầu tổ chức tiệc tại gia sẽ tăng cao trong tương lai, giúp các doanh nghiệp hoàn thiện và phát triển dịch vụ “catering” (phục vụ tiệc tại nơi yêu cầu của khách hàng) để đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới (iPOS, 2021). Theo Nhamo, Dube, and Chikodzi (2020), bán hàng cho khách mang đi vốn không phải là phương thức kinh doanh quen thuộc của các “nhà hàng có sao”. Các đầu bếp tại đây chỉ quen phục vụ thực khách thưởng thức tại chỗ, món ăn được bày biện tinh tế, trang trí đẹp mắt trong khung cảnh nhà hàng sang trọng, lịch lãm. Thế nhưng với Covid-19 đã cho thấy dường như “không gì là không thể xảy ra”. Ngành ẩm thực cao cấp sẽ phải dần cải tiến để thích nghi với biến động của thị trường và nhu cầu của khách hàng (Dube, Nhamo, & Chikodzi, 2021).

  1. Tổng quan nghiên cứu

2.1. Tháp nhu cấu của Maslow và thay đổi hành vi người tiêu dùng mùa dịch

Theo tháp nhu cầu của Maslow (bao gồm nhu cầu sinh lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu thuộc về yêu thương, nhu cầu tôn trọng hoặc được tôn trọng, nhu cầu tự hiện thực hóa) trong thời kì dịch bệnh Covid-19 dường như khiến cho người tiêu dùng quay về những mức ban đầu (Duygun, 2020). Nhu cầu sinh lý trong hệ thống phân cấp nhu cầu Maslow là các yêu cầu sinh học để con người có thể tồn tại, như nhu cầu về ăn, uống được quan tâm nhiều nhất. Trong tình hình đại dịch, người dân không thể ra đường và không thể tự mua được lương thực, thực phẩm. Vì vậy, nhu cầu đặt hàng ngày càng nhiều để đáp ứng được nguồn năng lượng, sức khỏe cho bản thân là rất cao (Suh, Horvitz, White, & Althoff, 2021). Nếu không đáp ứng các yêu cầu này, cơ thể con người không thể chấp nhận nhu cầu sinh lý quan trọng nhất, trừ khi các nhu cầu này ở mức được đáp ứng, ông cho rằng tất cả nhu cầu khác đều trở thành thứ yếu. Quan hệ thống phân cấp nhu cầu Maslow, ta có thể thấy về nhu cầu mục tiêu của cá nhân họ rất quan trọng. Nhưng trong khoảng thời gian tới, xã hội “bình thường mới” thì thói quen của con người có thể sẽ thay đổi (Loxton et al., 2020). Bên cạnh nhu cầu ăn uống cơ bản, vẫn có một bộ phận người dân yêu cầu chất lượng cao hơn về đồ ăn để thể hiện được cái tôi cá nhân, ngay cả trong thời kì dịch bệnh. Vì vậy, việc đặt đồ ăn cao cấp để phục vụ cho phân khúc thị trường này vẫn còn có thể phát triển được.

Ngoài ra, để có thể phản ánh ứng dụng của công nghệ cũng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, mô hình chấp nhận công nghệ – Technology Acceptance Model (TAM) cũng được sử dụng (Chayomchai, 2020). Mô hình TAM chỉ ra sự ảnh hưởng của các yếu tố như sự cảm nhận ứng dụng và sự cảm nhận hữu dụng của công nghệ một cách phù hợp với những biến đổi đa dạng trong dự định và hành vi sử dụng của khách hàng (Ishfaq & Mengxing, 2021). TAM cung cấp một cơ sở cho việc khảo sát những nhân tố bên ngoài đối với niềm tin, thái độ và dự định. Tính ứng dụng và dễ sử dụng hai nhân tố chính trong việc giải thích thái độ và hành vi sử dụng công nghệ của người dùng. Kinh nghiệm mua hàng của một người từ những lần trước sẽ quyết định sự kỳ vọng về nỗ lực mà người đó sẽ bỏ ra cho những lần mua hàng qua mạng (Mason, Narcum, Mason, & Awan, 2021). Sự nhận định về cách sử dụng sẽ quyết định sự mong đợi của một người và tạo nên mối quan hệ giữa kinh nghiệm mua hàng qua mạng và động lực tiện lợi (Ali Taha, Pencarelli, Škerháková, Fedorko, & Košíková, 2021). Theo Loxton et al. (2020), khi khách hàng có kinh nghiệm mua hàng qua mạng, họ có khuynh hướng cảm giác nó dễ sử dụng hơn và ý định lặp lại hành vi mua hàng qua mạng sẽ cao hơn. Chính vì vậy, điều đó có tác động trực tiếp tới thái độ mua hàng của người tiêu dùng.Với khuynh hướng tiết kiệm thời gian, khách hàng mong muốn những gì tốt nhất, nhanh nhất, và tiện lợi nhất (không cần phải đi ra ngoài) bằng cách sẽ chọn các dịch vụ trực tuyến thay vì phải tự di chuyển ra ngoài.

2.2. Thực trạng của ngành ẩm thực cao cấp

Ngành ẩm thực cao cấp được hiểu là nơi cung cấp cho thực khách những trải nghiệm tinh tế trong từng món ăn lẫn chất lượng phục vụ. Nhân viên ăn mặc chỉn chu, thái độ lịch sự và chu đáo tuyệt đối. Thực khách có thể trải nghiệm những món ăn thơm ngon và chất lượng phục vụ tốt, trong một khung cảnh sang trọng (Harrington, Ottenbacher, & Kendall, 2011).

Ngành ẩm thực cao cấp hiện nay bị tác động nặng nề do đại dịch Covid-19 (Nhamo et al., 2020). Bắt đầu từ tháng 3/2020, kể từ khi yêu cầu hạn chế người ra nơi công cộng, ngành nhà hàng-khách sạn trên thế giới liên tiếp chịu ảnh hưởng nghiêm trọng (Nguyên Trí, 2021). Tình hình này vẫn còn tiếp diễn, 240 tỷ USD doanh thu ngành bị mất trong năm 2021 vì rất nhiều nhà hàng phải tạm đóng cửa để phòng dịch (Thuỳ Anh, 2021). Ngoài ra, lượng khách sụt giảm nghiêm trọng, doanh thu không đủ để chi trả tiền thuê nhân viên, thuê mặt bằng, chi phí điện nước và việc đứt gãy nguồn cung ứng thực phẩm cũng ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến ngành ẩm thực cao cấp (Phan Anh, 2021).

Với những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh cùng với tác động cộng hưởng từ những yếu tố khác, số lượng doanh nghiệp thành lập nhà hàng mới trong thời kì đại dịch sụt giảm đáng kể, quy mô các nhà hàng bị thu hẹp, số nhà hàng đăng ký tạm dừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh (Trần Thị Thu Hương & Phạm Tiến Mạnh, 2021). Mặc dù, hiện nay tình hình dịch bệnh trong nước bắt đầu có những dấu hiệu tích cực, tình hình dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến khó lường và kéo dài. Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị chưa thể khắc phục ngay trong thời gian ngắn, trực tiếp ảnh hưởng tới ngành ẩm thực cao cấp (đặc biệt là những nhà hàng quốc tế) (Dube et al., 2021; Nhamo et al., 2020). Do chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh, các doanh nghiệp phải tự làm mới mình, tìm ra những hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn, bởi rủi ro luôn song hành cùng cơ hội.

  • Các yếu tố hình thành tiêu thụ sản phẩm ẩm thực cao cấp

Ngày nay, khi cuộc sống đang ngày một phát triển nhu cầu của con người ngày một cao hơn, ẩm thực cũng nhờ vào đó mà trở nên hoàn thiện hơn. Vượt ra khỏi giới hạn “ăn no mặc ấm” để đạt được sự “ăn ngon mặc đẹp”. Ẩm thực đã không còn đơn thuần là giá trị vật chất, mà còn là yếu tố văn hóa, một văn hóa đậm đà, duyên dáng và cốt cách. Trước thông tin thực phẩm bẩn bây giờ đang ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, mọi người giờ đây không chỉ quan tâm đặc biệt đến thức ăn có ngon không mà còn phải đảm bảo yếu tố lợi ích về sức khỏe và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thực tế cho thấy nhu cầu thưởng thức ẩm thực tại các quán ăn, nhà hàng đang dần phổ biến trong cuộc sống của người Việt Nam (Hương Chi, 2019). Theo thống kê, Hà Nội đang có khoảng 5.000 nhà hàng ăn, tại Thành phố Hồ Chí Minh lớn hơn con số này rất nhiều. Nhu cầu vẫn không ngừng tăng cao trong năm 2021, điều này chứng minh rằng ngành ẩm thực nói chung và ẩm thực cao cấp nói riêng đang có một lượng khách hàng lớn và cơ hội phát triển hấp dẫn nếu như nắm bắt và lựa chọn đúng xu hướng kinh doanh ẩm thực.

Hiện nay, thay vì những bữa cơm ở nhà thì nhiều người đã cùng với gia đình bạn bè, đối tác, khách hàng đến những nhà hàng để thưởng thức những món ăn đặc sản, hấp dẫn mà ở nhà họ khó có thể chế biến được. Khách hàng sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để thưởng thức các món ngon, độc lạ và bổ dưỡng. Không những thế, họ còn có nhu cầu được thể hiện vị thế của mình, trải nghiệm không gian phong phú, ngồi nhâm nhi ly rượu thượng hạng. Đặc biệt hầu hết khách hàng không chỉ tới nhà hàng để ăn mà còn tới vì những dịp đặc biệt như: Chuẩn bị cho đám cưới, hội họp, bữa tiệc gia đình, sinh nhật, hoặc chiêu đãi đối tác,…Thực khách đến các nhà hàng cao cấp để giao tiếp, tìm một bầu không khí thoải mái giúp họ thư giãn, nghỉ ngơi trong khi thưởng thức các món ăn ngon miệng. Ngoài ra, khi đã được thưởng thức nhiều món ăn “sơn hào hải vị” ở khắp nơi, thực khách sẽ bắt đầu bị thu hút bởi những món ăn mới lạ, đặc sắc. Sự sáng tạo có thể tạo ra những điều mới mẻ để khách hàng không bị nhàm chán, đó cũng là một sức hút lớn của ngành ẩm thực cao cấp (Harrington et al., 2011).

2.4. Hướng đi mới trong việc tiêu thụ ẩm thực cao cấp hậu đại dịch

Do ảnh hưởng lâu dài của đại dịch Covid-19, người tiêu dùng đã quen với xu hướng tiêu dùng trực tuyến. Đây là cơ hội để các thương hiệu ăn uống thực hiện cuộc “chuyển mình” mới từ kinh doanh truyền thống sang kinh doanh hiện đại. Việc ứng dụng công nghệ vào kinh doanh ẩm thực giúp khách hàng lựa chọn và đặt suất ăn trực tuyến nhanh chóng, thuận tiện trên mọi nền tảng, gia tăng trải nghiệm và giảm bớt khó khăn khi đặt bữa ăn ưa thích (Prasetyo et al., 2021).

Lê Anh (2021) đề cập rằng những nhà hàng cao cấp cũng cần thay đổi cách tiếp cận với thực khách. Do giãn cách xã hội được thực thi nghiêm ngặt trên toàn quốc trong suốt mùa dịch, rất nhiều người tiêu dùng sẽ chọn ở nhà thường xuyên ngay cả khi tình hình dịch đã khả quan hơn. Ngành ẩm thực cao cấp có thể áp dụng dịch vụ “nấu ăn tại chỗ” và phục vụ cho nhóm từ 8 đến 20 người có nhu cầu trải nghiệm ẩm thực cao cấp ngay tại chính ngôi nhà thân quen của mình.

Bên cạnh đó, rất nhiều nhà hàng nổi tiếng trên thế giới đã cho ra mắt các loại hộp đựng giúp khách hàng mang tên “Makeaway” có thể mua về nhưng hương vị vẫn ngon như ăn ở nhà hàng. Theo Minh Trang (2021), các hộp thực phẩm “Makeaway” này đã giúp người tiêu dùng vơi bớt cảm giác thiếu vắng những bữa ăn ở nhà hàng trong khi một số quy định về hạn chế tiếp xúc vẫn tồn tại, và chúng còn mang lại cho nhà hàng một nguồn doanh thu rất cần thiết. Tận dụng việc sử dụng các hộp thực phẩm “Makeaway” các nhà hàng cao cấp có thể kết hợp với dịch vụ giao hàng trực tuyến qua các app trung gian hoặc qua website của nhà hàng để giúp khách hàng ở nhà, không cần đến tận nơi mà vẫn có thể thưởng thức được các món ăn của nhà hàng cao cấp.

Để nỗ lực tồn tại trong thời đại dịch, nhiều nhà hàng cũng áp dụng công nghệ để giới thiệu dịch vụ Delivery & Catering (giao hàng và phục vụ tận nơi) mang đến một trải nghiệm ẩm thực cao cấp hoàn toàn khác so với trước đây. Theo Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (2021), 68% người tiêu dùng có nhiều khả năng mua đồ ăn mang đi từ nhà hàng hơn so với trước đây. Khoảng 53% thực khách đã khẳng định: Thói quen đặt món và mang đi là điều cần thiết trong bối cảnh này. Báo cáo cũng cho thấy một điểm thú vị là 64% khách hàng thích đặt hàng trực tiếp từ nhà hàng và chỉ 18% thích đặt hàng qua dịch vụ của bên thứ ba (app đặt hàng).

Tại Việt Nam, vào cuối tháng 12/2020, mức độ tăng trưởng bình quân doanh thu của thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam chạm mức 28,5%/ năm và sẽ đạt mốc 449 triệu USD vào năm 2023 (Nam Khánh, 2021). Điều này cũng vừa là cơ hội vừa là thách thức để các nhà hàng cao cấp phải nhanh chóng điều chỉnh, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong phân khúc trên.

2.5. Ưu điểm và hạn chế của dịch vụ giao hàng

Áp dụng công nghệ là một bước đi lớn, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp cũng như khách hàng, đặc biệt trong thời đại mạng internet gần như trở thành công cụ không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi cá nhân. Hình ảnh quảng cáo các chương trình khuyến mãi, chính sách ưu đãi quà tặng khi đặt hàng trên các ứng dụng hiện diện ở mọi lúc mọi nơi, từ online đến offline, trực tiếp kích thích nhu cầu chi tiêu online, đặt hàng của người dùng. Các nhà cung cấp (nhà hàng, quán ăn) cũng hưởng lợi từ nguồn khách dồi dào, tiết kiệm nhân công, đơn giản hóa khâu phục vụ, thanh toán (Demir & Istanbullu Dincer, 2020).

Các bên đặt hàng đồng thời kết hợp với đối tác thanh toán và chủ thương hiệu thực hiện các chương trình khuyến mãi mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng. Dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến cung cấp vô số món ăn khác nhau cùng với sự tiện lợi và nhanh chóng cho thực khách thông qua các ứng dụng cài đặt trên điện thoại thông minh, máy tính bảng hay laptop. Chính vì vậy, ngành dịch vụ đặt món phát triển nhanh chóng. Thương hiệu chủ động hơn trong việc tiếp cận khách hàng, vượt qua giới hạn của kiểu kinh doanh truyền thống. Ngay cả khi chưa có nhu cầu chi tiêu, khách hàng vẫn được nuôi dưỡng bằng việc liên tục nhìn thấy các hình ảnh khuyến mãi, mã giảm giá trực tuyến (E-voucher) được gửi về từ các ứng dụng đặt giao đồ ăn. Sự lớn mạnh của công nghệ là một trong những tác động không nhỏ khiến thị trường giao đồ ăn ngày một phát triển (Akyazi, Goti, Oyarbide, Alberdi, & Bayon, 2020).

Về nhược điểm, theo Trương Mạnh Kiên (2021), việc bán đồ ăn trên các ứng dụng trực tuyến sẽ không phải là miễn phí hoàn toàn, các đối tác nhà hàng được tiếp cận khách hàng lớn hay được giao đồ ăn miễn phí nhưng các nhà hàng phải chia sẻ doanh thu với bên cung cấp như Grab, Now, hay các hãng giao hàng khác. Chi phí chiết khấu thông thường được các hãng này khấu trừ từ 20% đến 30% tùy vào mỗi nhà hàng khác nhau. Chính vì vậy việc bán đồ ăn trên các ứng dụng này chỉ đem lại lợi nhuận nếu lượng đơn hàng mỗi ngày lớn vượt qua chi phí bỏ ra. Ngoài ra, do nhu cầu quá lớn nên cước phí vận chuyển tăng cao. Bên cạnh đó, khách hàng không nắm bắt được thời gian cụ thể nhận được đơn hàng. Một loạt các nhược điểm như gặp sự cố ảnh hưởng đến chất lượng thức ăn trong quá trình vận chuyển, giao hàng chậm so với dự kiến cũng sẽ là nhược điểm khi kết hợp giữa ẩm thực cao cấp và dịch vụ giao hàng. Nếu dùng ứng dụng cho việc giao hàng tại nhà sẽ khiến các món ăn cần sự nóng hổi, tươi ngon sẽ bị giảm chất lượng đi rất nhiều, làm ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị của ẩm thực cao cấp. Hình ảnh món ăn của nhà hàng trên các app còn chưa đầy đủ, nhiều hình ảnh bị trùng lặp khiến cho khách hàng cảm thấy khó chịu trong quá trình đặt món (Loebnitz & Grunert, 2021).

2.6. Cơ hội và thách thức trong việc kết hợp ẩm thực cao cấp và giao hàng

Với bối cảnh ngành ẩm thực cao cấp hiện tại ở Việt Nam, bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực chắc hẳn sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19. Nhưng với tâm thế là một thị trường mới nổi, nền kinh tế Việt Nam còn nhiều cơ hội để phát triển bền vững trong tương lai. Tính tiện lợi từ việc giao-đặt hàng online, các dịch vụ mua bán hàng hóa không tiếp xúc gia tăng mạnh. Xét ở nhiều góc độ, không chỉ ảnh hưởng bởi dịch bệnh, số người tiêu dùng trực tuyến ngày càng tăng còn do thế hệ Z đang thành thạo trong sử dụng internet, đang dần trở thành nguồn tiêu thụ chính của ẩm thực cao cấp (Chayomchai, 2020; Ishfaq & Mengxing, 2021). Vì vậy, ứng dụng công nghệ số trong chi tiêu, mua sắm là xu hướng tất yếu của những người tiêu dùng trẻ hiện đại (Shamsudin, Nayan, Ishak, Esa, & Hassan, 2020).

Dịch bệnh Covid-19 đang làm thay đổi cách người tiêu dùng sinh hoạt và chi tiêu. Thay vì phải tới nhà hàng và ngồi chờ để có đồ ăn, hiện nay thực khách có thể đặt hàng đồ ăn qua mạng hay điện thoại trực tiếp và đồ ăn sẽ được giao trong thời gian gần nhất. Nếu nhà hàng của bạn đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 thì việc thành lập một nhóm nhân viên, chuyên phụ trách xử lý đơn hàng và giao hàng sẽ đảm bảo doanh thu và lợi nhuận. Các nhà hàng cao cấp có đội ngũ shipper chuyên nghiệp (thùng giữ nhiệt bảo quản thức ăn vẫn còn nóng) sẽ thoả mãn nhu cầu cao của khách hàng (Choe, Kim, & Hwang, 2021).

Khi càng nhiều các doanh nghiệp đặt và giao hàng ra đời đồng nghĩa với việc khách hàng có nhiều lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ (Bakalis et al., 2020). Khách hàng có quyền lựa chọn những bên có nhiều chính sách ưu đãi, dịch vụ tốt, tốc độ giao hàng nhanh, ngược lại những đơn vị không làm tốt sẽ có nguy cơ bị đẩy ra khỏi thị trường. Từ đó các doanh nghiệp giao hàng cũng luôn không ngừng thay đổi, ngoài việc đáp ứng thời gian giao nhanh, đảm bảo chất lượng đồ ăn, hãng còn nghiên cứu về thái độ nhân viên giao hàng để đảm bảo làm hài lòng cho khách hàng.

  1. Kết luận

Sự phát triển của công nghệ và sự thay đổi hành vi tiêu dùng sẽ giúp các nhà hàng tiếp cận các khách hàng mới sau thời kì đại dịch. Bên cạnh đó thì các dòng vốn liên tục đổ vào thị trường giao đồ ăn trực tuyến đầy tiềm năng có tính khả thi và hiệu quả này. Các doanh nghiệp, nhà hàng cao cấp nên cân nhắc về việc sử dụng loại hình dịch vụ với hướng kinh doanh mới hiện nay. Đánh giá được hiện trạng của tình hình thực tại cũng như dự đoán được những nhu cầu trong tương lai, các yếu tố hình thành tiêu thụ sản phẩm ẩm thực cao cấp và chỉ ra được hướng đi mới bền vững.

Sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, việc sử dụng đặt hàng trực tuyến của khách hàng vẫn chưa có xu hướng giảm. Dịch bệnh vẫn chưa có thời gian kết thúc hoàn toàn, vì vậy kết hợp giữa ẩm thực cao cấp và  giao hàng tận nơi, hướng vào phân khúc khách hàng trung và cao cấp hiện nay được xem như một giải pháp giữa tình hình dịch này. Biện pháp chuyển đổi mô hình hầu như mang tính duy trì sự tồn tại nhiều hơn là tạo ra sự thành công trong kinh doanh. Điều đó có nghĩa là các nhà hàng sẽ phải nắm vững nghệ thuật cân bằng hơn bao giờ hết vì trong tương lai sẽ có rất nhiều thay đổi bất ngờ, chính vì vậy các doanh nghiệp kinh doanh ngành dịch vụ này cần phải có những biện pháp đề phòng các tình huống bất ngờ sẽ xảy ra. Vì vậy, lĩnh vực kinh doanh đồ ăn mang đi đã phát triển mạnh trước, trong và sau đại dịch Covid-19 là cứu cánh của một số nhà hàng để có thể tiếp cận được nguồn khách hàng mới và tăng doanh thu.

Tài liệu tham khảo

Akyazi, T., Goti, A., Oyarbide, A., Alberdi, E., & Bayon, F. (2020). A Guide for the Food Industry to Meet the Future Skills Requirements Emerging with Industry 4.0. 9(4), 492.

Ali Taha, V., Pencarelli, T., Škerháková, V., Fedorko, R., & Košíková, M. (2021). The Use of Social Media and Its Impact on Shopping Behavior of Slovak and Italian Consumers during COVID-19 Pandemic. Sustainability, 13(4). doi:10.3390/su13041710

Bakalis, S., Valdramidis, V. P., Argyropoulos, D., Ahrne, L., Chen, J., Cullen, P. J., . . . Van Impe, J. F. M. (2020). Perspectives from CO+RE: How COVID-19 changed our food systems and food security paradigms. Current research in food science, 3, 166-172. doi:10.1016/j.crfs.2020.05.003

Báo Thanh niên. (2021). Chủ quán, chủ nhà hàng chuyển mình ‘online’ trong mùa dịch. Retrieved from

Bộ Công thương. (2021). Xu hướng tiêu dùng hiện đại làm thay đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp trong tình hình mới. Retrieved from

Chayomchai, A. (2020). The Online Technology Acceptance Model of Generation-Z People in Thailand during COVID-19 Crisis. Management & Marketing. Challenges for the Knowledge Society, 15, 496-512. doi:10.2478/mmcks-2020-0029

Choe, J. Y., Kim, J. J., & Hwang, J. (2021). Perceived risks from drone food delivery services before and after COVID-19. International Journal of Contemporary Hospitality Management, 33(4), 1276-1296. doi:10.1108/IJCHM-08-2020-0839

Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng. (2021). Mua sắm qua mạng thời dịch bệnh Covid-19 tiện lợi mà cũng đầy rủi ro. Retrieved from

Demir, Y., & Istanbullu Dincer, F. (2020). The Effects of Industry 4.0 on the Food and Beverage Industry. Journal of Tourismology, 133-145. doi:10.26650/jot.2020.6.1.0006

Dube, K., Nhamo, G., & Chikodzi, D. (2021). COVID-19 cripples global restaurant and hospitality industry. Current Issues in Tourism, 24(11), 1487-1490. doi:10.1080/13683500.2020.1773416

Duygun, A. v. Ş., E. (2020). Evaluation of Consumer Purchasing Behaviors in the COVID-19 Pandemic Period in the Context of Maslow’s Hierarchy of Needs. Pazarlama Teorisi ve Uygulamaları Dergisi, 6(1), 45-68.

Harrington, R. J., Ottenbacher, M. C., & Kendall, K. W. (2011). Fine-Dining Restaurant Selection: Direct and Moderating Effects of Customer Attributes. Journal of Foodservice Business Research, 14(3), 272-289. doi:10.1080/15378020.2011.594388

Hoàng Dương. (2019). Dịch vụ giao đồ ăn nhanh bùng nổ tại Việt Nam do nhu cầu ngày một tăng. Retrieved from

Hương Chi. (2019). Phát triển du lịch ẩm thực Việt Nam. Retrieved from

iPOS. (2021). Tương lai ngành dịch vụ ăn uống sau làn sóng COVID-19 lần 4. Retrieved from

Ishfaq, N., & Mengxing, H. (2021). Consumer usage behavior of internet-based services (IBS) in Pakistan during COVID-19 crisis from the perspective of technology acceptance model. Environmental Science and Pollution Research. doi:10.1007/s11356-021-15868-1

Lê Anh. (2021). Ngành dịch vụ ăn uống và hướng đi trong giai đoạn giãn cách xã hội. Retrieved from

Loebnitz, N., & Grunert, K. G. (2021). Let us be realistic: The impact of perceived brand authenticity and advertising image on consumers’ purchase intentions of food brands. International Journal of Consumer Studies. doi:10.1111/ijcs.12679

Loxton, M., Truskett, R., Scarf, B., Sindone, L., Baldry, G., & Zhao, Y. (2020). Consumer Behaviour during Crises: Preliminary Research on How Coronavirus Has Manifested Consumer Panic Buying, Herd Mentality, Changing Discretionary Spending and the Role of the Media in Influencing Behaviour. 13(8), 166.

Mason, A. N., Narcum, J., Mason, K., & Awan, U. (2021). Social media marketing gains importance after Covid-19. Cogent Business & Management, 8(1). doi:10.1080/23311975.2020.1870797

Minh Dũng. (2018). Nở rộ dịch vụ giao hàng nhanh. Retrieved from

Minh Trang. (2021). Thú ẩm thực mới mùa COVID-19.

Mỹ Hảo. (2021). Bùng nổ dịch vụ giao hàng tại các đô thị. Retrieved from

Nam Khánh. (2021). Mảng giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam sẽ tăng trưởng cao top đầu khu vực cho tới năm 2025? Retrieved from

Nguyễn Mai. (2020). Giao đồ ăn trực tuyến: Bùng nổ thương hiệu mới. Retrieved from

Nguyên Trí. (2021). Dịch vụ ăn uống thay đổi nhờ COVID-19. Retrieved from

Nhamo, G., Dube, K., & Chikodzi, D. (2020). Restaurants and COVID-19: A Focus on Sustainability and Recovery Pathways. In Counting the Cost of COVID-19 on the Global Tourism Industry (pp. 205-224).

Phan Anh. (2021). Nhà hàng điêu đứng vì dịch Covid-19. Retrieved from

Phương Nhung. (2018). Bùng nổ đặt món trực tuyến. Retrieved from

Prasetyo, Y. T., Tanto, H., Mariyanto, M., Hanjaya, C., Young, M. N., Persada, S. F., . . . Redi, A. A. N. P. (2021). Factors Affecting Customer Satisfaction and Loyalty in Online Food Delivery Service during the COVID-19 Pandemic: Its Relation with Open Innovation. 7(1), 76.

PwC. (2021). Các biện pháp ứng phó thời hậu COVID-19: Doanh nghiệp cần làm gì khi trở lại hoạt động. Retrieved from

Shamsudin, M. F., Nayan, S., Ishak, M. F., Esa, S. A., & Hassan, S. (2020). CUSTOMER LOYALTY IN THE FAST FOOD RESTAURANTS: CASE OF GEN Z. JOURNAL OF CRITICAL REVIEWS, 7(19).

Suh, J., Horvitz, E., White, R. W., & Althoff, T. (2021). Population-Scale Study of Human Needs During the COVID-19 Pandemic: Analysis and Implications. Paper presented at the Proceedings of the 14th ACM International Conference on Web Search and Data Mining, Virtual Event, Israel.

Thuỳ Anh. (2021). 240 tỷ USD doanh thu bị ‘thổi bay’ và những buổi ăn tối thời “giãn cách xã hội” của các nhà hàng cao cấp. Retrieved from

Trần Thị Thu Hương, & Phạm Tiến Mạnh. (2021). Đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến các doanh nghiệp Việt Nam. Retrieved from

Trương Mạnh Kiên. (2021). Tài xế tố bị “trù dập”, chiết khấu vô lý: Những câu hỏi không được Now trả lời. doi: