TRƯỜNG CAO ĐẲNG                       CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
NGHỀ DU LỊCH VŨNG TÀU                                  Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
KHOA KIẾN THỨC CƠ BẢN                                  ——————————————-
———————————-

Vũng Tàu, ngày 27 tháng 6 năm 2014

KẾ HOẠCH THỰC TẬP TỐT NGHIỆP
Nghề Kế toán doanh nghiệp – trình độ cao đẳng
Khóa K04 (2011 – 2014)

  • Căn cứ Chương trình đào tạo cao đẳng nghề kế toán doanh nghiệp do Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Du lịch Vũng Tàu ban hành ngày 22 tháng 9 năm 2009;
  • Căn cứ Kế hoạch Thực tập tốt nghiệp, Thi tốt nghiệp cao đẳng nghề K04 do Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Du lịch Vũng Tàu ban hành ngày 17 tháng 6 năm 2014;
  • Khoa Kiến thức cơ bản xây dựng kế hoạch thực tập tốt nghiệp nghề Kế toán doanh nghiệp trình độ cao đẳng khóa K04 (2011-2014) như sau:

A. MỤC ĐÍCH – YÊU CẦU:

Thực tập tốt nghiệp là một module quan trọng trong chương trình đào tạo, là cơ sở để xét tốt nghiệp cho người học trước khi ra trường. Thông qua thực tập tốt nghiệp, người học tiếp cận với thực tiễn công tác Kế toán tại doanh nghiệp, nâng cao nhận thức về chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện kỹ năng chuyên môn để khi ra trường có thể nhanh chóng đảm nhận công việc chuyên môn kế toán tại doanh nghiệp.

1. Yêu cầu đối với sinh viên thực tập

Nhằm thực hiện mục đích trên, yêu cầu của đợt thực tập đối với các sinh viên thực tập như sau:

a. Kiến thức

  • Khái quát được tình hình cơ bản của doanh nghiệp: thông tin chung (tên, địa chỉ, loại hình doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, qui mô vốn, tài sản và nhân lực); cơ cấu tổ chức; chức năng – nhiệm vụ của từng phòng, ban; tổ chức bộ máy kế toán.
  • Vận dụng được các kiến thức, kỹ năng thực hành kế toán vào thực tiễn công tác kế toán tại cơ sở (mô tả chính xác và giải thích được hoạt động kế toán tại doanh nghiệp)

b. Kỹ năng

  • Lập, kiểm tra, phân loại, xử lý chính xác chứng từ kế toán;
  • Thành thạo việc ghi sổ kế toán chi tiết và tổng hợp trên 4 hình thức ghi sổ kế toán;
  • Lập đúng các báo cáo tài chính theo qui định;
  • Ứng dụng được phần mềm kế toán trong thực tiễn công tác kế toán.

c. Thái độ

  • Tuân thủ các chế độ kế toán do nhà nước ban hành, các qui định của tổ chức kinh doanh;
  • Có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp.

2. Yêu cầu đối với giảng viên hướng dẫn

  • Hướng dẫn cho sinh viên nhận thức được tầm quan trọng và yêu cầu của quá trình thực tập.
  • Hướng dẫn cho sinh viên về quy trình tìm hiểu thực tiễn đối với những nội dung lý thuyết đã học và những nội dung khác có liên quan.
  • Kiểm soát quá trình thực tập của sinh viên, hỗ trợ  sinh viên thực hiện đề cương sơ bộ, đề cương chi tiết, giải đáp thắc mắc trong quá trình thực tập và hướng dẫn viết báo cáo thực tập tốt nghiệp.
  • Đánh giá đúng đắn kết quả thực tập của sinh viên và chịu trách nhiệm về kết quả và quá trình thực tập của sinh viên.

B. NỘI DUNG THỰC TẬP

Tình hình thực tế tại mỗi cơ sở thực tập có thể khác nhau do đặc điểm về sản xuất kinh doanh và cả do sự vận dụng chuẩn mực, chế độ kế toán cụ thể đã hoặc mới ban hành. Sinh viên phải nghiên cứu, đối chiếu, so sánh giữa lý luận và lý thuyết đã học với thực tế để có những nhận thức và phân tích, nhận xét của bản thân. Kết thúc quá trình thực tập, sinh viên phải thực hiện Báo cáo thực tập tốt nghiệp (theo hướng dẫn cụ thể kèm theo kế hoạch này).

Nội dung thực tập gồm:

  1. Tìm hiểu thông tin chung về doanh nghiệp:
    • Lĩnh vực kinh doanh, quá trình hình thành và phát triển, loại hình doanh nghiệp, qui mô hoạt động, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ chức năng của từng bộ phận.
    • Đặc điểm qui trình công nghệ.
    • Khái quát các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh ngiệp.
    • Kết quả hoạt động kinh doanh một số kỳ gần đây.
    • Đánh giá thuận lợi, khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
  2. Tổ chức công tác kế toán tại doanh nghiệp
    • Tổ chức bộ máy kế toán: tổ chức phòng Kế toán, chức năng nhiệm vụ của các bộ phận trong phòng Kế toán, mối liên hệ giữa phòng kế toán và các bộ phận liên quan.
    • Tổ chức hoạt động kế toán: Trình tự ghi sổ kế toán của doanh nghiệp, vận dụng hệ thống tài khoản kế toán của doanh nghiệp, hệ thống chứng từ sổ sách.
  3. Chuyên đề riêng
    • Tìm hiểu sâu về chuyên đề sinh viên đã chọn. Lưu ý liên hệ giữa lý thuyết và áp dụng thực tế tại doanh nghiệp.
    • Nội dung cụ thể: các chứng từ; các sổ kế toán chi tiết; thủ tục quản lý, điều hành; trình tự kế toán chi tiết; phương pháp kế toán các hoạt động chủ yếu.

C. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI

Thực tập tốt nghiệp là một môn học được đánh giá (thi hết môn) thông qua Báo cáo thực tập tốt nghiệp. Báo cáo thực tập tốt nghiệp được trình bày theo quy định của Khoa.

  • Thông báo kế hoạch thực tập: Ngày 04/07/2014.
  • Thời gian thực tập tốt nghiệp: từ ngày 18/7/2014 đến ngày 03/09/2014.
  • Thời gian đăng ký chuyên đề: từ ngày 21/7/2014 đến 25/07/2014 (trong giờ hành chính, tại văn phòng khoa). Đăng ký theo mẫu của Khoa.
  • Sinh viên được phép thay đổi chuyên đề nếu được sự đồng ý của giảng viên hướng dẫn nhưng chỉ được thay đổi trước 08/08/2014.
  • Trong thời gian thực tập, sinh viên bắt buộc phải liên hệ với giảng viên hướng dẫn thường xuyên để giảng viên hướng dẫn nắm được tình hình thực tập và tiến độ viết báo cáo. Sinh viên phải lập đề cương Báo cáo thực tập tốt nghiệp và phải được sự đồng ý của giảng viên hướng dẫn đúng thời hạn quy định.
  • Nộp đề cương báo cáo thực tập tốt nghiệp: chậm nhất là 15/08/2014. Nộp 02 bản (chỉ cần bìa giấy thường).
  • Thời gian nộp báo cáo thực tập tốt nghiệp: từ ngày 04/09/2014 đến hết ngày 05/09/2014 (trong giờ hành chính).
  • Địa điểm nộp Báo cáo thực tập tốt nghiệp: văn phòng Khoa kiến thức cơ bản.
  • Báo cáo thực tập tốt nghiệp phải nộp 02 bản gồm: 01 bản in và 01 bản mềm (file Ms Word hoặc PDF).
  • Bản in Báo cáo thực tập tốt nghiệp phải có xác nhận của giảng viên hướng dẫn và có xác nhận của nơi sinh viên thực tập (có chữ kỹ của kế toán trưởng, dấu tròn).

D. MỘT SỐ LƯU Ý ĐỐI VỚI SINH VIÊN VỀ CHUYÊN ĐỀ THỰC TẬP

Việc chọn chuyên đề thực tập tốt nghiệp cần được nghiên cứu kỹ dựa trên kiến thức của sinh viên và thực tế tại nơi thực tập. Cần lưu ý tránh việc chọn đề tài về hoạt động mà tại nơi thực tập có qui mô quá nhỏ hoặc không có (ví dụ chọn chuyên đề “Kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm” nhưng thực tập tại doanh nghiệp thương mại!?).

Một số chuyên đề kế toán tài chính gợi ý:

  1. Kế toán tiền và các khoản tương đương tiền tại doanh nghiệp ABC
  2. Kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm tại doanh nghiệp ABC
  3. Kế toán tài sản cố định tại doanh nghiệp ABC
  4. Kế toán tiền lương và các khoản trích theo lương tại doanh nghiệp ABC
  5. Kế toán thành phẩm và tiêu thụ tại doanh nghiệp ABC
  6. Kế toán nguyên vật liệu và công cụ dụng cụ tại doanh nghiệp ABC
  7. Kế toán tiêu thụ và các khoản phải thu, phải trả tại doanh nghiệp ABC
  8. Kế toán doanh thu và xác định kết quả kinh doanh tại doanh nghiệp ABC
  9. Lập báo cáo tài chính tại doanh nghiệp ABC
    ….

Có thể thực hiện chuyên đề nhỏ hơn tùy theo hoạt động thực tế tại doanh nghiệp. Ví dụ: có thể chọn chuyên đề “Kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm theo chi phí định mức tại doanh nghiệp ABC”.

                      BỘ MÔN KẾ TOÁN                                                        KHOA KIẾN THỨC CƠ BẢN
                                                                                                        PHỤ TRÁCH KHOA

                                                                                                                     Lê Văn Luật

 

  • Mẫu đăng ký chuyên đề thực tập tốt nghiệp (điền đầy đủ thông tin và nộp lại Khoa trong tuần 21/7-25/7/2012): download
  • Hướng dẫn trình bày báo cáo thực tập tốt nghiệp: download
  • Mẫu Báo cáo thực tập tốt nghiệp: download
  • Tham khảo các khóa luận tốt nghiệp kế toán .
  • Các bạn sinh viên có thể tham khảo thêm trong “Giáo trình hướng dẫn nội dung thực tập và viết báo cáo thực tập tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp sản xuất” – Sở giáo dục & đào tạo Hà Nội, NXB Hà Nội năm 2007. Lưu ý tài liệu này xuất bản năm 2007 nên một số điểm đã lạc hậu. Có thể tìm thấy tài liệu này trên Internet.
  • Một số tài liệu sau dưới dạng ebook CHM có thể tham khảo (đây là những tài liệu miễn phí lấy từ Internet, tác giả không chịu trách nhiệm về tính chính xác nên cần kiểm tra khi sử dụng thông tin từ các tài liệu này đặc biệt là việc cập nhật một số văn bản mới):
    • Sổ tay kế toán: download.
    • Hệ thống 30 chuẩn mực kế toán Việt Nam: download.
    • Lý thuyết kế toán: download.
    • Một số sơ đồ kế toán: download.
    • Ebook Thuế 2012-v9: download.