Một số nhiệm vụ của hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực du lịch giai đoạn tới
Bài viết của TS. Trương Sỹ Vinh về một số nhiệm vụ của khoa học & công nghệ trong lĩnh vực du lịch.
 

1. Bối cảnh phát triển

Cuộc cách mạng KH&CN trên thế giới tiếp tục phát triển với nhịp độ ngày càng nhanh, có khả năng tạo ra những thành tựu mang tính đột phá, khó dự báo trước và có ảnh hưởng to lớn tới mọi mặt của đời sống xã hội loài người. Nhờ những thành tựu to lớn của KH&CN, đặc biệt là công nghệ thông tin-truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, v.v… xã hội loài người đang trong quá trình chuyển từ nền văn minh công nghiệp sang thời đại thông tin, từ nền kinh tế dựa vào các nguồn lực tự nhiên sang nền kinh tế dựa vào tri thức, mở ra cơ hội mới cho các nước đang phát triển có thể rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khoa học và công nghệ đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, hàng đầu. Sức mạnh của mỗi quốc gia tùy thuộc phần lớn vào năng lực KH&CN. Lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên, giá lao động rẻ ngày càng trở nên ít quan trọng hơn. Vai trò của nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, có năng lực sáng tạo, ngày càng có ý nghĩa quyết định trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế.  Để thích ứng với bối cảnh trên, các nước phát triển đang điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh các ngành công nghiệp và dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ thân môi trường; đẩy mạnh chuyển giao những công nghệ tiêu tốn nhiều nguyên liệu, năng lượng, gây ô nhiễm cho các nước đang phát triển. Nhiều nước đang phát triển dành ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực KH&CN trình độ cao, tăng mức đầu tư cho nghiên cứu và đổi mới công nghệ, nhất là một số hướng công nghệ cao chọn lọc; tăng cường cơ sở hạ tầng thông tin-truyền thông; nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và thu hẹp khoảng cách phát triển.

Du lịch là ngành có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các nước đang phát triển. Tổ chức Du lịch Thế giới đã nhận định rằng: “tại nhiều quốc gia đang phát triển, du lịch là nguồn thu nhập chính, ngành xuất khẩu hàng đầu, tạo ra nhiều công ăn việc làm và cơ hội cho sự phát triển” . Cũng như bất cứ ngành kinh tế nào khác,  xu thế chung của phát triển trong những năm tới chịu tác động mạnh mẽ của sự thay đổi của khoa học và  công nghệ,  đặc biệt là sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông. Sự ra đời và phát triển của các thiết bị trợ giúp cá nhân (mobile với công nghệ 3G,4G; thiết bị định vị GPS….), công nghệ Internet thế hệ mới, sự phát triển của thương mại điện tử…chắc chắn sẽ làm thay đổi phương thức kinh doanh du lịch truyền thống.  Một số xu hướng phát triển ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch trong những năm tới có thể kể đến như :

+  Tiếp tục phát triển mạnh Du lịch trực tuyến : Internet đã, đang và sẽ trở thành kênh phân phối chủ yếu các sản phẩm du lịch và ngày càng tiếp tục phát triển, hình thành xu hướng “Du lịch trực tuyến”. Đây là thị trường rất năng động với số lượng ngày càng đông các  nhà cung cấp dịch vụ trên mạng.  Hệ thống phân phối trực tuyến sẽ ngày càng làm giảm thị phần của các đại lý kinh doanh lữ hành truyền thống, buộc họ phải điều chỉnh cơ sở hạ tầng của mình và áp dụng các công nghệ mới nhằm đáp ứng đòi hỏi của việc thay đổi trong ngành du lịch.

Các hệ thống quản lý điểm đến (DMS)  được hình thành và phát triển mạnh : đây là xu hướng rõ rệt nhất của việc ứng dụng công nghệ trong ngành du lịch trong những năm tới.

Chuẩn liên minh du lịch mở OTA ngày càng được chấp nhận rộng rãi : chuẩn công nghệ  này hỗ trợ trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp lữ hành với các doanh nghiệp khách sạn, vận chuyển…Trong tương lai, đây là chuẩn chính để giao tiếp trên môi trường mạng giữa các doanh nghiệp du lịch.

Ứng dụng rộng rãi các thiết bị số cá nhân trong thanh toán và giao dịch điện tử trong lĩnh vực du lịch.

+ Công nghệ sạch ngày càng được ưu tiên phát triển và ứng dụng trong du lịch
 
2 – Một số nhiệm vụ của hoạt động khoa học & công nghệ trong lĩnh vực du lịch
Bối cảnh mới cho phép và đòi hỏi KH&CN trong lĩnh vực du lịch  phải điều chỉnh, thay đổi,  hội nhập và phát triển  mạnh mẽ hơn nữa để góp phần tạo động lực phát triển cho ngành du lịch. Bởi vậy, một số nhiệm vụ KHCN sau đây có thể được xem xét để đẩy mạnh hoạt động KHCN trong lĩnh vực du lịch những năm tới :

1.      Xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong lĩnh vực du lịch.

Trong những năm qua, mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định trong việc phát triển đội ngũ trí thức KHCN trong ngành du lịch, nhưng nhìn chung lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, đội ngũ cán bộ KH&CN còn thiếu nhiều cán bộ đầu đàn giỏi, các “tổng công trình sư”, đặc biệt là thiếu cán bộ KH&CN trẻ kế cận có trình độ cao. Nhiều cán bộ có trình độ cao về du lịch, hoặc không còn trực tiếp làm công tác nghiên cứu, hoặc chuyển công tác khác. Hệ thống giáo dục và đào tạo chuyên ngành du lịch chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao. Trong khoảng 5 – 10 năm nữa, nếu không chú trọng công tác này, lực lượng cán bộ làm công tác KHCN trong lĩnh vực du lịch sẽ thiếu hụt nghiêm trọng. Bởi vậy, rất cần đẩy mạnh việc đào tạo trong và ngoài nước đội ngũ cán bộ nghiên cứu có năng lực và trình độ cao, các nhóm nghiên cứu mạnh trong các lĩnh vực ưu tiên về ứng dụng công nghệ trong du lịch nhằm  tăng nhanh chất lượng nghiên cứu, sản phẩm KH-CN đạt trình độ và chuẩn mực quốc tế; chuyển giao và ứng dụng nhanh các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn nhằm góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm  du lịch Việt Nam;
2.Phát triển, đổi mới hệ thống các cơ quan nghiên cứu và chuyển giao KH&CN trong lĩnh vực du lịch

Trong những năm qua, các cơ quan nghiên cứu và chuyển giao KH&CN trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là các Viện Nghiên cứu,  đã có những đóng góp lớn trong việc tạo ra các kết quả KHCN. Tuy nhiên, rất nhiều những vướng mắc, cản trở nảy sinh trong quá trình hoạt động của các tổ chức này, đặc biệt vấn đề  tự chủ trong hoạt động KHCN, chế độ đãi ngộ với các nhà khoa học…làm hạn chế năng lực KHCN của các tổ chức này.  Cơ chế quản lý các tổ chức KH&CN không phù hợp với đặc thù của lao động sáng tạo và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các tổ chức KH&CN chưa có được đầy đủ quyền tự chủ về kế hoạch, tài chính, nhân lực và hợp tác quốc tế để phát huy tính năng động, sáng tạo. Việc quản lý cán bộ KH&CN theo chế độ công chức không phù hợp với hoạt động KH&CN, làm hạn chế khả năng lưu chuyển và đổi mới cán bộ. Thiếu cơ chế đảm bảo để cán bộ KH&CN được tự do chính kiến, phát huy khả năng sáng tạo, tự chịu trách nhiệm trong khuôn khổ pháp luật. Chưa có những chính sách hữu hiệu tạo động lực đối với cán bộ KH&CN và chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, chế độ tiền lương còn nhiều bất hợp lý, không khuyến khích cán bộ KH&CN toàn tâm với sự nghiệp KH&CN. Cơ chế quản lý tài chính trong hoạt động KH&CN chưa tạo thuận lợi cho nhà khoa học, chưa huy động được nhiều nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước; cơ chế tự chủ về tài chính của các tổ chức KH&CN chưa đi liền với tự chủ về quản lý nhân lực nên hiệu quả còn nhiều hạn chế.
Bởi vậy, trước hết cần đầu tư nâng cao năng lực KH&CN nội sinh cho các đơn vị, cơ quan KH&CN hiện có; đầu tư củng cố nâng cao năng lực nghiên cứu ứng dụng của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, chú trọng đầu tư chiều sâu (cả về nhân lực và trang thiết bị nghiên cứu)  để hình thành tổ chức nghiên cứu có năng lực và chuyên môn cao trong lĩnh vực du lịch ngang tầm các nước trong khu vực. Tăng cường sự phối hợp giữa  các Viện nghiên cứu, các Trường đại học trong cả nước và quốc tế về lĩnh vực du lịch để giải quyết các nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển  du lịch. Đổi mới tổ chức và quản lý KH&CN theo hướng đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN.

3.Xây dựng chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ trong lĩnh vực du lịch,  tập trung vào một số hướng như : Đối với hoạt động quản lý Xây dựng có trọng điểm một số hướng ứng dụng công nghệ nhằm thay đổi mạnh về mức độ ứng dụng công nghệ trong quản lý du lịch, bao gồm :
– Ứng dụng mô hình chính phủ điện tử trong quản lý của ngành du lịch; Phấn đấu đến  năm 2020, hoạt động quản lý của ngành được hoàn toàn tin học hoá.
– Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (Internet, xây dựng kênh truyền hình riêng cho du lịch, quảng bá trên các kênh truyền hình nổi tiếng…) trong hoạt động  xúc tiến quảng bá du lịch chung của Ngành.
– Nghiên cứu ứng dụng công nghệ Hệ thống thông tin địa lý (GIS) và công nghệ viễn thám trong quản lý tài nguyên,  môi trường du lịch và thực hiện các quy hoạch du lịch ở Việt Nam.
– Nghiên cứu xây dựng và từng bước ứng dụng hệ thống thông tin quản lý  điểm đến.

Đối với hoạt động kinh doanh du lịch:  Tập trung vào một số hướng ứng dụng trọng yếu sau :
–  Ứng dụng các  mô hình kinh doanh du lịch  trực tuyến (mua bán phòng khách sạn, tour du lịch trên mạng…) để  từng bước chuyển dần sang mô hình thương mại điện tử trong du lịch (e-tourism) khi các điều kiện về hạ tầng công nghệ và hành lang pháp lý đầy đủ. Phấn đấu đến 2020 xây dựng và vận hành hoàn chỉnh  hệ thống thương mại điện tử trong du lịch theo các mô hình G2B, B2B, B2C.
– Ứng dụng công nghệ  thông tin và truyền thông trong hoạt động  xúc tiến quảng bá của doanh nghiệp;
–  Ứng dụng các công nghệ sạch trong các cơ sở lưu trú, khu du lịch;

4.Phát triển mạnh hoạt động Thông tin khoa học – công nghệ để phổ biến các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch.
Trong những năm qua, mặc dù các Website, các thư viện điện tử, các mạng thông tin phục vụ hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực du lịch đã xuất hiện và đã có những đóng góp nhất định vào việc phổ biến các kết quả nghiên cứu KHCN, tuy nhiên, nhìn chung  hoạt động thông tin KH&CN, tư vấn chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực du lịch còn yếu kém cả về cơ sở vật chất và năng lực cung cấp đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Nguồn tin KH&CN – nguyên liệu cơ bản của hoạt động thông tin chưa được cung cấp và quản lý một cách bài bản, có tổ chức. Các đề tài, dự án sau khi nghiệm thu chưa được công bố rộng rãi nên các đơn vị, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch khó tiếp cận được với các kết quả nghiên cứu. Bởi vậy, cần tăng cường và phát triển hạ tầng cơ sở thông tin KH&CN chuyên ngành nhằm đáp ứng một cách hiệu quả các nhu cầu thông tin của xã hội theo hướng :  Kiện toàn hệ thống thông tin KH&CN về du lịch; phát triển ngân hàng dữ liệu về KH&CN trong lĩnh vực du lịch; hình thành, phát triển và liên kết mạng trong hệ thống; đẩy mạnh thông tin công nghệ phục vụ doanh nghiệp; xây dựng các thư viện điện tử và mở rộng hoạt động thông tin KH&CN về du lịch ở các trường đại học, cao đẳng; đẩy mạnh các dịch vụ thông tin KH&CN du lịch.

TS. Trương Sỹ Vinh
nguồn: Viện nghiên cứu phát triển Du lịch V