1. Lịch sử phát triển các cuộc cách mạng công nghiệp trên thế giới

Các cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) trên thế giới diễn ra là bước đi tất yếu của phát triển khoa học công nghệ của loài người. Các cuộc cách mạng công nghiệp chắc chắn sẽ tạo nên các sản phẩm mới, nâng cao năng suất lao động và đem lại lợi ích cho các bên liên quan nhưng lịch sử cũng chứng kiến những sự bất bình đẳng xảy ra giữa các tầng lớp xã hội và khoảng cách giàu nghèo.
 CMCN lần thứ nhất ở nước Anh từ nửa cuối của thế kỷ 18 và gần nửa đầu thế kỷ 19, với thay đổi từ sản xuất chân tay đến sản xuất cơ khí do phát minh ra động cơ hơi nước. Ban đầu, con người sử dụng nước và năng lượng từ hơi nước để cơ giới hóa sản xuất, sau đó là sử dụng động cơ đốt trong, nhiên liệu than đá và xây dựng các tuyến đường sắt mở rộng giao thương.
Cuộc CMCN lần thứ hai diễn ra vào nửa cuối thế kỷ 19 cho đến khi đại chiến thế giới lần thứ nhất xảy ra, với thay thế động cơ nước và hơi nước bằng những cỗ máy chạy bằng điện năng, dẫn tới sự thay đổi từ sản xuất đơn lẻ sang sản xuất hàng loạt bằng máy móc năng lượng điện. Cuộc cách mạng này có đặc điểm nổi bật là sử dụng điện năng để phục vụ sản xuất công nghiệp.
   Cuộc CMCN lần thứ ba diễn ra từ những năm 70 của thế kỷ 20 với sự ra đời của sản xuất tự động dựa vào máy tính, thiết bị điện tử và internet vào thập kỷ 90. Đây là thời kỳ mà con người đã phát minh ra máy tính phần cứng, phần mềm và mạng trực tuyến để thực hiện các công việc về trí óc thay cho con người, làm biến đổi mọi mặt đời sống kinh tế và xã hội toàn cầu, tạo tiền đề cho sự ra đời một cuộc CMCN mới.
Vào năm 2006, Tiến sĩ James Truchard, Giám đốc điều hành của National Instruments lần đầu tiên giới thiệu cấu trúc và sự vận hành mới cho nền sản xuất thực – ảo (Cyber-Physical Systems – CPS).
   Cuộc CMCN lần thứ tư (hay còn gọi là CMCN 4.0) được cho là đã bắt đầu từ năm 2010 với nền tảng là các đột phá của công nghệ số. Năm 2011, khái niệm và chương trình dự kiến của “công nghiệp 4.0” được giới thiệu tại Hội chợ Hannover của Đức, nhằm nâng cao nền công nghiệp cơ khí truyền thống của Đức. Nếu trước đây phải mất gần một thế kỷ để chuyển từ cuộc cách mạng công nghiệp cũ sang cuộc cách mạng công nghiệp mới, thì cuộc CMCN 4.0 xuất hiện chỉ sau cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 chưa đầy nửa thế kỷ, nhưng mức độ ảnh hưởng, lan tỏa của cuộc cách mạng này diễn ra trên quy mô toàn cầu, với tốc độ nhanh hơn những gì đã xảy ra từ trước đến nay và dự báo sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị trên toàn thế giới.

   2. Một số đặc điểm của về CMCN 4.0
Đặc trưng của CMCN 4.0 là việc sử dụng hợp nhất cả phần cứng, người máy và khả năng tính toán lớn để mở rộng công nghệ thông tin vượt qua cả phần mềm, với sự giao thoa của các công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây (cloud computing), Internet vạn vật (IoT-Internet of things), trí tuệ nhân tạo (AI-Artifical Intelligence), thực tế ảo (AR/VR- Virtual Reality/ Augmented Reality), khai thác dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ di động không dây (wifi), công nghệ tin học lượng tử (quantum information technology), công nghệ nano (nanotechnology),… Các công nghệ này có tính liên ngành sâu rộng, nghĩa là thành tựu công nghệ của ngành này có thể áp dụng rộng rãi trong ngành khác và ngược lại.
Động lực chính của cuộc cách mạng công nghiệp mới này là sự thay đổi trong kỳ vọng của người dùng. Trong tương lai, nhờ robot, các đơn đặt hàng theo màu sắc, hình dạng và kích cỡ riêng sẽ được thực hiện ngày càng nhiều hơn. Nó hoàn toàn khác cách thức sản xuất hiện nay. Sản phẩm và dịch vụ sẽ được tạo ra theo yêu cầu cụ thể của khách hàng với chi phí phù hợp và xây dựng hệ thống sản xuất hàng loạt có khả năng linh hoạt điều chỉnh theo thay đổi của nhu cầu xã hội, tối ưu lợi ích cho các bên liên quan. Ảnh hưởng của công nghệ phần cứng và phần mềm như người máy và Internet vạn vật (IoT) được cho rằng sẽ có những tác động đến hầu hết mọi lĩnh vực sau năm 2018. Trong khi đó, công nghệ chế tạo kỹ thuật số đang tương tác với công nghệ sinh học trong cuộc sống hàng ngày. Các kỹ sư, các nhà thiết kế và các kiến trúc sư đang kết hợp các thiết kế trên máy tính với các loại vật liệu mới và các kỹ thuật sinh học tổng hợp để tạo ra các sản phẩm kết hợp của vi sinh vật với cơ thể con người, với sản phẩm con người tiêu thụ và thậm chí ngay cả căn nhà nơi chúng ta đang sống.
   Lịch sử tiến bộ khoa học và công nghệ thế giới đã chứng kiến nhiều cuộc cách mạng trong đó trí tuệ con người đã làm chủ, dẫn dắt sự đổi mới của máy móc để tăng năng suất, mang lại thêm nhiều giá trị cho xã hội và đóng góp tích cực cho sự phát triển về thể chất và tinh thần của nhân loại. Tuy nhiên, cuộc CMCN lần thứ tư không chỉ đơn thuần là sự kế thừa thành quả của ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đó với thế giới kỹ thuật số mà còn tạo ra sự thay đổi toàn diện kinh tế thế giới trên 3 khía cạnh vận tốc, phạm vi và hệ thống, chứng kiến sự suy giảm của các quốc gia phát triển chủ yếu vào khai thác tài nguyên, tăng cường vai trò chủ đạo của những nước chú trọng nền công nghệ sáng tạo./.

cmcn4.0

4 cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử: (1) Cơ khí hóa với máy chạy bằng thủy lực và hơi nước. (2) Động cơ điện và dây chuyền sản xuất hàng loạt. (3) Kỷ nguyên máy tính và tự động hóa. (4) Các hệ thống liên kết thế giới thực và ảo

   3. Thế giới đang thay đổi với CMCN 4.0
CMCN 4.0 chắc chắn sẽ có tác động to lớn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế thế giới khi viễn cảnh các nhà máy thông minh nơi các máy móc đều được kết nối Internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự điều khiển, kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định.
Và có lẽ chính vì thế tại diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF, Davos 17-20/1/2017) có tới 446 phiên họp xoay quanh chủ đề xuyên suốt “Lãnh đạo hành động và có trách nhiệm” (Responsive and Responsible Leadership) nhưng ngay trong ngày đầu tiên, lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu thế giới như Infosys, Salesforce, General Motors… đã tham gia tọa đàm “Thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Điều đó thể hiện cuộc CMCN 4.0 đang có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới. Phái đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu và có bài phát biểu tại phiên thảo luận vào ngày 19/1/2017 “Tương lai nền sản xuất dưới góc độ chiến lược khu vực”.
Tại đây, WEF công bố một báo cáo phân tích về ảnh hưởng của công nghệ và xã hội học đến việc làm. Báo cáo của WEF với tiêu đề “Tương lai của việc làm” (The Future of Jobs) đã khảo sát các nhà điều hành cao cấp và phụ trách nhân sự của nhiều doanh nghiệp đại diện cho hơn 13 triệu lao động trong 9 lĩnh vực công nghiệp ở 15 nền kinh tế phát triển và mới nổi, và một số vùng kinh tế đã xác nhận rằng công nghệ ngày càng ảnh hưởng nhiều hơn đến xu hướng việc làm trên toàn cầu, và cho rằng thế giới đang ở giai đoạn cao nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Một số dữ liệu thống kê cho thấy, các công ty “bậc thầy” về công nghệ vượt trội hơn 9% về doanh thu; 26% về khả năng thu lợi và 12% về giá trị thị trường so với các doanh nghiệp khác.

cmcn4.01

Các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 47 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos ngày 20/01/2017

Có thể nói cả thế giới, đặc biệt tại các nước phát triển trong vài năm qua đều có các chương trình chiến lược về sản xuất khi những tiến bộ của khoa học và công nghệ đang diễn ra rất nhanh. Mỹ có “Chiến lược quốc gia về sản xuất tiên tiến” cho ba thập kỷ tới; Pháp – “Bộ mặt mới của công nghiệp nước Pháp”; Anh kỳ vọng việc số hóa các nhà máy có thể khôi phục lại sản xuất. Riêng Đức đặc biệt chú trọng đến chương trình công nghiệp 4.0 vì ngành sản xuất là xương sống của nền kinh tế nước này. Các công ty Đức đang đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ để đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp mới. Khảo sát của Strategy& và PwC với 235 công ty công nghiệp có trụ sở tại Đức hồi tháng 10/2014 cho thấy, công nghệ công nghiệp 4.0 chiếm hơn 50% số vốn đầu tư hoạch định cho 5 năm tới. Ở châu Á, Hàn Quốc có “Chương trình tăng trưởng của Hàn Quốc trong tương lai”; Trung Quốc – “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025”; Nhật Bản – “Xã hội thông minh 5.0”; Trung Quốc đang chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu lực lượng lao động. Trong số trên 230.000 robot được bán trên thế giới trong năm 2014 thì có tới 60.000 robot được bán cho Trung Quốc.
Các chuyên gia cho rằng, để bắt kịp với CMCN 4.0, các doanh nghiệp cần liên tục cập nhật các xu hướng công nghệ mới, phối hợp và học tập kinh nghiệm của doanh nghiệp thời gian thực (real – time enterprise) và doanh nghiệp số nơi mọi biến đổi từ ý kiến khách hàng tới nhu cầu của cá nhân đều được cung cấp bởi máy móc tính toán chứ không phải con người, tức là chuyển đổi số (digital transformation). Các doanh nghiệp tự động hóa các quy trình xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống và có thể đưa ra phản ứng cần thiết ngay tức thì kể cả trong việc quản trị, đáp ứng nhu cầu khách hàng lẫn đưa ra các mô hình kinh doanh mới.

   4. Doanh nghiệp Việt Nam đang ở đâu trong tiến trình gia nhập với CMCN 4.0
Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam có lợi thế là chính phủ có quan tâm mạnh mẽ và đặt nhiều kỳ vọng vào bước đột phá đối với các doanh nghiệp về việc hoạch định chiến lược trong nhiều lĩnh vực áp dụng công nghệ vào sản xuất, thương mại, nông nghiệp và dịch vụ thích ứng với cơ hội của CMCN 4.0. Việt Nam cũng chưa có nhiều cơ sở hạ tầng và nền tảng công nghệ của các cuộc CMCN trước đây để lại, nên chính khoảng thiếu hụt này lại không trở thành sức ép về đầu tư trong việc chuyển đổi sang nền công nghiệp 4.0.
Ngay từ đầu năm 2017 đã có nhiều sự kiện thu hút rộng rãi các đối tượng lãnh đạo các Bộ, ngành, các chuyên gia, chủ tịch điều hành của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn và các hiệp hội doanh nghiệp thảo luận về xu thế và ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0. Trong số đó có thể kể tới Toạ đàm Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và Ứng phó của Doanh nghiệp trong Thời đại Đổi thay do báo Thế Giới Tiếp Thị kết hợp với câu lạc bộ Quản trị và Khởi nghiệp tổ chức đầu năm 2017; Diễn đàn “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 – Được và mất” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 7/4; Diễn đàn Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) do Bộ Công thương tổ chức ngày 11/4. Kết quả khảo sát ngày 7/4 “Việt Nam có bắt kịp cách mạng công nghiệp lần thứ 4 không” cho thấy 67% số người khảo sát cho rằng Việt Nam không bắt kịp được CMCN, và chỉ có 33% cho rằng có thể.
Trên thực tế, cuộc CMCN 4.0 được nói đến nhiều ở Việt Nam nhưng cho tới nay phần lớn các doanh nghiệp chưa xác định được rằng họ cần phải làm gì để chủ động “đón trước” những cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại.
Theo kết quả khảo sát dựa trên 2.000 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, có 85% doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm đến cách mạng công nghiệp 4.0, 55% đánh giá cuộc cách mạng này sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam, 23% đánh giá tác động bình thường; 11% đánh giá không tác động lắm và 10% đánh giá không tác động; 6% không biết. Nhưng về chiến lược, có đến 79% doanh nghiệp trong số này trả lời rằng họ… chưa làm gì để đón sóng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 55% doanh nghiệp cũng cho biết đang tìm hiểu, nghiên cứu, 19% doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch, và chỉ có 12% doanh nghiệp đang triển khai.
Đối với các doanh nghiệp không quan tâm đến cuộc cách mạng 4.0, 67% doanh nghiệp cho hay, họ không thấy liên quan và ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp; 56% cho rằng lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp không bị tác động nhiều; 76% doanh nghiệp cho rằng chưa hiểu rõ bản chất cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong khi đó, có đến 54% chưa có nhu cầu quan tâm.
Vậy có phải chúng ta đã quá lạc quan vào tiềm năng phát triển của dân số vàng với 55% sử dụng điện thoại di động và tỷ lệ người dùng Internet Việt Nam đã đạt 52% dân số? Dự báo đến năm 2020 sẽ có khoảng 1 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin (theo Cục Viễn thông – Bộ Thông tin và Truyền thông – 2015) và thời gian sử dụng Internet 5,2 giờ mỗi ngày đứng thứ tư trên thế giới, và đứng thứ 22 trên thế giới tính theo dân số về số người sử dụng mạng xã hội (thống kê của wearesocial.net).
Việt Nam là quốc gia có thị trường lao động phổ thông lớn nên tác động của CMCN 4.0 sẽ có phần thách thức khi xu thế robot hóa trên thế giới đã rõ ràng và các quốc gia thuê nhân lực lao động phổ thông sẽ rút về nước. Hiện Việt Nam có khoảng 55,5 triệu người trong độ tuổi lao động, đa số trình độ phổ thông, và đây chính là đối tượng bị robot thay thế công việc nhiều nhất. Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên hiệp quốc cho biết trong 10 năm tới, 86% lao động Việt Nam trong ngành da giày có thể bị mất việc vì robot. Trong khi đó, Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy năng suất lao động của Việt Nam vẫn quá thấp so với các quốc gia trong khu vực, chỉ bằng 4,4% so với Singapore, 17,4% so với Malaysia, 32,5% với Thái Lan, 48,5% với Philippines và 48,8% của Indonesia… Vì thế, có thể nói, thách thức lớn nhất mà của CMCN 4.0 đối với Việt Nam là phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng cao mà không thể thay thế bằng bằng máy móc tự động hay robot và yêu cầu đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực của Việt Nam có tính cấp thiết.
CMCN 4.0 là cơ hội chuyển đổi, khai thác thị trường và sáng tạo sản phẩm mới đối với các doanh nghiệp sẵn sàng theo kịp tiến bộ về công nghệ kỹ thuật số. Những doanh nghiệp bỏ qua cơ hội này có thể sẽ bị loại khỏi thị trường.

   5. Ngành Du lịch Việt Nam và viễn cảnh ngành Du lịch trong nền CMCN 4.0
Trong xu thế ngành sản xuất công nghiệp phải đối mặt với thách thức của robot hóa thì kinh tế Việt Nam có tiềm năng khác để phát triển, đó là ngành nghề dịch vụ. Với hơn 3.200km bờ biển và 11 di sản phi vật thể, và 15 di sản khác đã được UNESCO công nhận gồm di sản văn hóa thế giới, di sản thiên nhiên, di sản tư liệu, di sản hỗn hợp và công viên địa chất toàn cầu cùng rất nhiều danh lam thắng cảnh và nghệ thuật ẩm thực, ngành Du lịch Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn mang lại hiệu quả kinh tế xứng tầm. Trong CMCN 4.0, ngành du lịch cần được phát triển một cách thông minh với hỗ trợ của công nghệ số, để tạo ra và cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho khách du lịch, làm cho khách thật hài lòng khi đến Việt Nam. Chúng ta cũng đã có những sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) đáng khích lệ “Made in Vietnam”, chẳng hạn như “Hệ thống Săn dữ liệu mạng xã hội” của Lê Công Thành và các cộng sự thuộc Topica AI Labs được ngành Du lịch sử dụng để định vị thương hiệu.
Trong số các doanh nghiệp đi đầu xây dựng chiến lược nghiên cứu và xây dựng sản phẩm du lịch sử dụng công nghệ mang lại những lựa chọn thông minh cho khách hàng có thể kể tới Tripi. Tripi hoạt động dựa trên nền tảng Data Science có khả năng tự động gợi ý gói du lịch thông minh trong khoảng thời gian khởi hành khách hàng yêu cầu. Công ty này áp dụng ứng dụng di động giúp đặt tour, vé máy bay, khách sạn, gói combo Holidays (gồm vé máy bay và khách sạn, tour du lịch) chỉ bằng một vài thao tác trên ứng dụng di động. Ngoài ra khách hàng có thể tìm kiếm, so sánh giá các sản phẩm du lịch và cập nhật chính xác 24/24h tình trạng sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, theo thống kê của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam cho thấy, thanh toán online của du lịch trong nước mới đạt 10% so với thị trường mua bán các sản phẩm du lịch trực tuyến tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang phát triển gẩn đến con số 40% là một con số khiêm tốn. Có thể nói thói quen chi tiêu bằng thẻ tín dụng đối với người Việt Nam vẫn còn chưa phổ biến, đặc biệt với sản phẩm du lịch nhiều khi mang tính vô hình. Chắc chắn Tripi sẽ còn nhiều việc phải làm để nâng cao uy tín và kết nối thông minh để khách tiếp cận dễ dàng hơn với các sản phẩm du lịch theo sở thích của người dùng và để họ ra quyết định mua bán dễ dàng hơn. Hiện nay trang web của công ty này cho phép người dùng có thể tạo tài khoản bằng cách liên kết với tài khoản mạng xã hội như Facebook, Google. Để gia tăng tiện ích tìm phòng khách sạn, Tripi kết nối với Agoda hay Booking.com.
Thật ra bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp kinh doanh nhờ công nghệ đã rõ ràng. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến đều muốn có mặt trong các trang web đặt chỗ nổi tiếng được tổ chức Outlook Statista thống kê đối với trong 3 thị phần chính: (1) Du lịch trọn gói có Expedia.com, CTrip.com, Priceline.com; (2) Khách sạn có Booking.com, Hotels.com, và Agoda.com và (3) Thuê nhà nghỉ có Airbnb.com, vrbo.com, và Homeaway.com. Uber và các doanh nghiệp kể trên như Agoda kinh doanh du lịch, khách sạn, vận chuyển, không sở hữu bất kỳ khách sạn hay một chiếc xe nào. Phần mềm công nghệ số đã đóng vai trò như một nhạc trưởng kết nối giữa người có nhu cầu và người cung cấp dịch vụ. Du lịch thông minh cũng có thể sử dụng tiện ích trong nền kinh tế “chia sẻ” hoặc “theo yêu cầu” như vậy. Tức là khi nền tảng công nghệ hỗ trợ việc kết nối khách du lịch với dữ liệu cá nhân để tạo ra dịch vụ cụ thể và phù hợp nhất cho khách đó. Tất cả quy trình đi du lịch của khách từ bước thể hiện mong muốn, lập kế hoạch, lên đường, hoạt động trong chuyến đi, cảm nhận chuyến đi, tạo ấn tượng tốt đẹp khi kết thúc chuyến đi đều có thể kết hợp thực hiện từ xa với sự trợ giúp của công nghệ.

CMCN1

Dựa vào phân tích mọi dữ liệu về bạn, Trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra nhiều lựa chọn cho chuyến du lịch của bạn với các loại hình và hoạt động du lịch theo gu của bạn. Công nghệ có thể tính toán được xu hướng nhu cầu của khách đối với loại hình du lịch nào, sở thích về các hoạt động trong chuyến đi, địa điểm, hình thức mua sắm, hay loại cơ sở lưu trú mà khách thường lựa chọn. Phần mềm sẽ gợi ý cho bạn thời điểm, địa điểm xuất phát, lịch trình chuyến đi. Những chiếc xe được lập trình sẽ đến đón bạn. Thậm chí đó là những chiếc xe không người lái! Cũng giống như tại Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cung cấp dịch vụ hướng dẫn tự động với 1 thiết bị cầm trên tay, bạn lựa chọn các mã số tương ứng trên các hiện vật, bạn sẽ nghe được phần trình bày của “hướng dẫn viên” ngay lập tức. Cũng vậy, du lịch 4.0 có thể hướng dẫn, giới thiệu cho bạn các điểm du lịch với những lựa chọn đa dạng. Máy bán hàng tự động sẽ bán bất kỳ món quà lưu niệm nào mà bạn muốn, ngay cả một món ăn hợp khẩu vị cũng được làm tự động. Khách du lịch thực sự là đối tượng trung tâm của những cải tiến phương thức phục vụ. Các sản phẩm du lịch có sự trợ giúp của kỹ thuật số có giá trị cao hơn và bền vững hơn với sự duy trì, cập nhật, phân tích dữ liệu, và có các hình thức hợp tác mới.
Một xu thế kết hợp khác, tuy không mới nhưng cũng hứa hẹn nhiều tiềm năng khi áp dụng công nghệ với du lịch và y tế. Ngành du lịch điều dưỡng cho người cao tuổi (nhu cầu này đang rất cao ở những nước phát triển). Cách mạng 4.0 sẽ giúp ngành y tế tạo lập chuỗi giá trị, chăm sóc sức khoẻ con người từ tất cả các khía cạnh liên quan như thói quen sinh hoạt, ăn uống, tập luyện, bổ sung các chất thiết yếu, phòng bệnh, chữa bệnh… một cách đơn giản, chuẩn xác và ít tốn kém nhất. Phần mềm có thể kết nối với hệ thống chẩn đoán với các chỉ số về chức năng chuyển hóa trong cơ thể… và đưa ra những lựa chọn các điểm nghỉ dưỡng phù hợp nhất, cũng như những lựa chọn điều trị để người bệnh được điều trị tốt nhất.
Rõ ràng, lợi ích và tác động của CMCN 4.0 có thể nói là vô hạn phụ thuộc vào trí tưởng tượng của con người. Nhưng đó cũng là thách thức đối với nhân loại trong việc làm chủ công nghệ trước khả năng CMCN lần thứ tư sẽ thay đổi những gì chúng ta làm, sự riêng tư, cách chúng ta sử dụng thời gian cho công việc và giải trí, phương thức tiêu dùng… bởi chúng ta buộc phải kết nối với các hệ thống điện tử. Và đối với ngành Du lịch, trong xu thế cuộc CMCN lần thứ tư có khả năng cung cấp một dịch vụ hoàn hảo với sự sáng tạo, cảm thông, có trách nhiệm, kể cả tuổi thọ, sức khỏe, và nhận thức của chúng ta dựa trên tiềm năng robot hóa thì liệu nhân loại có cần một cách thức nào khác để gia tăng ý thức đạo đức mang tính tập thể, lòng từ bi và hợp tác vì vận mệnh chung? Và liệu những giá trị do việc trao đổi, tiếp xúc giữa con người với con người có thể vượt lên trên những tiện ích và sự hài lòng do công nghệ mang lại? Điều đó đòi hỏi con người một lần nữa vươn lên làm chủ cuộc cách mạng khoa học công nghệ và CMCN 4.0.

Tin: Chiến Thắng – QLKH&HTQT
Nguồn: ITDR