Nghiên cứu khoa học là một hoạt động vô cùng cần thiết đối với giảng viên trẻ. Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, các giảng viên trẻ sẽ có thêm nhiều kiến thức chuyên sâu đối với các vấn đề mà mình nghiên cứu, cả về lý luận cũng như thực tiễn. Những kiến thức lý luận sẽ được áp dụng vào thực tế cuộc sống, giúp phát hiện ra những thiếu sót, hạn chế trong lý thuyết và từ đó đưa ra những kiến nghị, giải pháp hoàn thiện.

Hiện nay, hoạt động nghiên cứu khoa học của các giảng viên trẻ có một số thuận lợi và khó khăn như sau:

1) Thuận lợi:

Các giảng viên trẻ do tuổi đời còn rất trẻ nên rất ham học hỏi, tìm tòi, khám phá cái mới. Với sự năng động, linh hoạt cũng như nhạy bén của tuổi trẻ, các giảng viên trẻ nắm bắt rất nhanh các nhu cầu của xã hội để từ đó đưa ra các giải pháp đáp ứng các nhu cầu đó. Vì vậy, sự say mê nghiên cứu khoa học là một trong những đặc điểm của các giảng viên trẻ.

Các giảng viên trẻ đều có trình độ từ đại học trở lên nên các giảng viên trẻ đã được trang bị các kiến thức khoa học và đã từng làm quen hoặc trực tiếp thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. Do đó, các giảng viên trẻ đều đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức cũng như phương pháp để thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học.

Nguồn tài liệu nghiên cứu phong phú. Hiện nay, cùng với các nguồn tài liệu từ sách, báo, internet,… thì với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc tìm kiếm các nguồn tài liệu từ các máy tính ngày càng trở nên dễ dàng hơn với số lượng tài liệu ngày càng phong phú hơn. Ngoài ra, phần lớn giảng viên trẻ hiện nay có trình độ ngoại ngữ khá tốt nên bên cạnh việc nghiên cứu các nguồn tài liệu bằng tiếng Việt, các giảng viên trẻ còn nghiên cứu các nguồn tài liệu bằng tiếng nước ngoài.

Sự quan tâm, chỉ đạo cũng như động viên, khuyến khích từ phía lãnh đạo Nhà trường. Các trường đại học hiện nay đều chú trọng đến hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên, xem đây là một trong các hoạt động trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của Nhà trường. Thông qua việc nghiên cứu khoa học, các giảng viên trẻ sẽ tự nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đội ngũ giảng viên lớn mạnh về chất cho Nhà trường. Do đó, nhiều trường đại học đã quy định hoạt động nghiên cứu khoa học là yêu cầu và nhiệm vụ của giảng viên trong công tác tại trường.

2) Khó khăn:

Hiện nay, các giảng viên trẻ vẫn còn thiếu nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học. Phần lớn các giảng viên trẻ đã một hoặc vài lần thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học trong quá trình học đại học, cao học nhưng thường có sự hướng dẫn của các Thầy/Cô từ việc gợi ý nội dung đề tài, đề cương, nội dung từng chương, mục. Các giảng viên trẻ vẫn chưa có sự chủ động trong việc thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học từ đầu đến cuối. Đặc biệt, những đề tài nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ thường bị sự cạnh tranh rất lớn từ những giảng viên có kinh nghiệm lâu năm nên đề tài của họ thường ít được Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học chọn.

Các giảng viên trẻ vẫn chưa có sự chủ động trong việc đưa ra các đề tài để nghiên cứu. Các đề tài mà giảng viên trẻ thực hiện phần lớn là do có sự phân công từ phía lãnh đạo Khoa và Bộ môn nên các giảng viên trẻ thường có ý tưởng và tâm huyết về đề tài nghiên cứu. Từ đó, khi các giảng viên trẻ bắt tay vào việc thực hiện các đề tài nghiên cứu sẽ gặp rất nhiều khó khăn và dẫn đến việc bỏ dở giữa chừng.

Giảng viên trẻ không có nhiều thời gian dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Phần lớn các giảng viên trẻ ngay sau khi về trường phải nhanh chóng học tập để nâng cao trình độ, phù hợp với yêu câu mà nhà trường đề ra. Việc ôn luyện, thi cử và học tập đã làm mất nhiều thời gian của giảng viên trẻ. Bên cạnh đó, các giảng viên trẻ còn phải thực hiên các công tác của nhà trường như: đảm bảo việc giảng dạy đủ giờ chuNn, soạn bài giảng, coi thi… nên giảng viên trẻ gần như không có thời gian cho việc tìm tòi, nghiên cứu khoa học. Hướng đi mới của Nhà trường là bắt đầu thử nghiệm cách thức quy đổi giờ nghiên cứu sang việc giảm bớt giờ giảng chuNn để khuyến khích hoạt động nghiên cứu của giảng viên trẻ nhiều hơn nữa.

Nguồn kinh phí để thực hiện việc nghiên cứu khoa học còn thấp. Hiện nay, nguồn kinh phí dành cho các giảng viên trẻ để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học là khá eo hẹp, thậm chí một số các giảng viên trẻ phải tự bỏ tiền túi ra để thực hiện các đề tài nghiên cứu vì chi phí cho hoạt động nghiên cứu là rất lớn. Thay vì phải bỏ thời gian 1 năm để nghiên cứu để đổi lấy kinh phí 15 triệu thì họ chỉ cần đi giảng thêm bên ngoài trong một học kỳ là đã có hơn số tiền đó. Chính vì vậy, nếu vấn đề kinh phí để các giảng viên trẻ thực hiện đề tài được đảm bảo tốt hơn thì các giảng viên trẻ sẽ có sự yên tâm về mặt vật chất để thực hiện đề tài.

Tóm lại, hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ hiện nay bên cạnh một số thuận lợi thì vẫn còn một số khó khăn nhất định. Nếu những khó khăn đó được giải quyết thì hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ sẽ được phát triển mạnh mẽ, đáp ứng được yêu cầu thực tế cuộc sống, phát huy được vị trí của Nhà trường đối với xã hội.

Trần Thanh Thảo – Giảng viên trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

Giải nhất Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Euréka năm 2008

Nguồn: khoahoctre.com.vn