PHÁT TRIỂN KHÁCH SẠN KHÔNG CHẠM TẠI VŨNG TÀU

HƯỚNG ĐI BỀN VỮNG SAU ĐẠI DỊCH

Phạm Xuân Quyết1*, Lê Thuý Duy1, Đoàn Lê Đức Huy1, Nguyễn Đặng Ngọc Sương1, Phạm Thị Thu Thúy1, Vương Quế Trân1

1 Trường Đại học Thuỷ Lợi – Phân hiệu Miền Nam, TPHCM

* [email protected]

Tóm tắt

Đại dịch Covid-19 đã khiến cho toàn bộ nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó, ngành dịch vụ khách sạn đã phải gồng mình trước sự sụt giảm doanh thu và ảnh hưởng đến khả năng phát triển theo mục tiêu đã đề ra. Nhận thấy việc phát triển mô hình không chạm cho khách sạn còn rất nhiều tiềm năng, nhóm tác giả đã đề xuất việc áp dụng khách sạn không chạm tại thành phố du lịch Vũng Tàu. Bài phân tích tổng hợp nhận định những điểm mạnh, điểm yếu, và những cơ hội cũng cho việc ứng dụng khách sạn không chạm tại Vũng Tàu với định hướng tái sinh du lịch một cách an toàn và bền vững của miền Nam nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Từ khóa: khách sạn không chạm, covid-19, bền vững, Vũng Tàu, Việt Nam

1. Giới thiệu chung

Khách sạn là một dịch vụ lưu trú không thể thiếu trong những chuyến du lịch của du khách và là một trong những ngành phát triển mạnh tại Việt Nam trong những năm gần đây (Hoa & Huy, 2021). Theo Đỗ Anh Đức và cộng sự (2020), sự phát triển của ngành công nghiệp khách sạn đã yêu cầu các khách sạn cung cấp không chỉ dịch vụ cơ bản nhưng cũng hài lòng hơn và trải nghiệm cá nhân hóa cho khách hàng. Do đó, để đáp ứng những yêu cầu của khách hàng, thích nghi và hướng đến sự phát triển trong bối cảnh hậu dịch Covid-19, ngành khách sạn cần chuyển sang xu hướng mới đẩy mạnh áp dụng công nghệ, ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm mang lại trải nghiệm không chạm mới phù hợp với tình hình đảm bảo an toàn và nâng tính hiện đại cho khách hàng (S.-H. Chen, Tzeng, Tham, & Chu, 2021). Việc phát triển khách sạn không chạm tạo nên khả năng thu hút cao lượng khách hàng quay trở lại, đặc biệt khi vấn đề sức khỏe và an toàn được xem là các ưu tiên hàng đầu trong thời kì hậu Covid-19 (Lew, Cheer, Haywood, Brouder, & Salazar, 2020). Tuy nhiên, dưới tác động của đại dịch, khách lưu trú cần những mô hình dịch vụ khách sạn mới, giảm thiểu tối đa việc tiếp xúc. Điều này có nghĩa là tự động hóa khách sạn không chạm dự kiến sẽ trở thành một phần bình thường mới của xu hướng du lịch vào năm 2021 (Hussain, Ahmad, & Kareem, 2020).

Vũng Tàu là thành phố du lịch nổi tiếng ở phía Nam Việt Nam với sự tăng trưởng đều trước đại dịch. Theo Sở du lịch tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (2021), sáu tháng đầu năm 2019 tổng lượt khách du lịch đến với Vũng Tàu đã đạt khoảng 8,46 triệu lượt, tăng 29,22% so cùng kỳ và đạt gần 53% kế hoạch năm. Khép lại năm 2019, năm được coi là thành công của ngành du lịch Vũng Tàu, các chỉ tiêu về kinh tế vượt kế hoạch đề ra, tổng doanh thu về thương mại du lịch dịch vụ ước đạt 229.400 tỷ đồng, tăng 10,02% so với cùng kỳ, tổng lượt khách đến khoảng trên 6 triệu lượt, khách quốc tế chiếm khoảng 10% (Sở du lịch tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, 2021).

Để khống chế dịch Covid 19 thì Chính phủ đã đưa ra quyết định tạm dừng tiếp nhận khách du lịch quốc tế trong sáu tháng đầu năm 2020 (Nhật Nam, 2020). Vì vậy, lượng khách du lịch trong nước đến Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn còn hạn chế do tình hình dịch bệnh. Để thu hút được lượng khách du lịch trong giai đoạn Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở mùa thấp điểm (sáu tháng cuối năm), việc kích cầu du lịch là cấp bách. Sở Du lịch thông qua Hiệp hội Du lịch vận động các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, nhà hàng,… đồng loạt giảm giá từ 10% đến 30% dịch vụ cho du khách từ nay đến cuối năm 2020 theo các mức: Cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên giảm 30% giá niêm yết; cơ sở lưu trú 1 và 2 sao giảm 20% giá niêm yết; các cơ sở lưu trú còn lại giảm 10% giá niêm yết (Sở du lịch tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, 2021).

Theo Tổng cục thống kê (2021), sáu tháng đầu năm 2021, du lịch Việt Nam đã gần như đóng băng, và Vũng Tàu hàng loạt các khách sạn phải đóng cửa không biết thời điểm nào mở lại. Trước và trong tình hình dịch diễn biến phức tạp như hiện nay, trên cả nước nói chung và Thành phố Vũng Tàu nói riêng các hoạt động du lịch hầu như bị tạm dừng, du khách phải huỷ các tour cũng như các khách sạn đã được đặt từ trước (Lê Vũ, 2021). Đợt bùng phát dịch Covid-19 vào tháng 5/2021 khiến ngành khách sạn tại Vũng Tàu ảnh hưởng nặng nề. Người dân thực hiện theo chỉ thị 16 thực hiện lời kêu gọi của Chính phủ “Ai ở đâu ở yên đó” để ngăn dịch bệnh lây lan. Theo Sở du lịch tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (2021), những tháng cuối năm 2021 đại dịch Covid-19 tác động lớn đến ngành du lịch nói chung và khách sạn nói riêng rơi vào khó khăn, sụt giảm trầm trọng. Cùng với đó, xu hướng của khách du lịch cũng thay đổi buộc ngành khách sạn phải linh hoạt để thích ứng bằng cách ứng dụng công nghệ 4.0.

Nhận thấy vấn đề phục hồi sau dịch bệnh cho ngành du lịch, nhóm tác giả thông qua nghiên cứu, đọc và tham khảo tài liệu liên quan đến xu hướng du lịch ở Việt Nam và tiềm năng phát triển các mô hình du lịch mới, nghiên cứu chỉ ra những thế mạnh và cơ hội cho du lịch không chạm, điển hình tại thành phố Vũng Tàu. Nghiên cứu cũng xác định được những thách thức tiềm ẩn và khả năng của ngành du lịch trong thời kỳ bình thường mới trong tương lai.

2. Khách sạn không chạm và khả năng phát triển tại Việt Nam

2.1. Lý thuyết về hành động kế hoạch (Theory of Planned Behavior) trong việc giải thích sự thay đổi của du khách

Lý thuyết về hành động kế hoạch hay lý thuyết hành vi hoạch định là một lý thuyết thể hiện mối quan hệ giữa niềm tin và hành vi của một người nào đó, trong đó niềm tin được chia làm ba loại: niềm tin về hành vi, niềm tin theo chuẩn mực chung và niềm tin về sự tự chủ (Ajzen, 2011). Sự ra đời của Lý thuyết về hành động kế hoạch (TPB) hỗ trợ dự đoán về thay đổi hành vi xã hội của con người, từ đó đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc nghiên cứu liên quan đến những lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống: từ tâm lý học, chính trị đến kinh tế, xã hội,… Chính vì trung tâm của du lịch khách sạn là con người nên lý thuyết này càng trở nên hữu ích hơn khi nhấn mạnh vào hành vi của con người như thế. Khi dịch bệnh chỉ có thể kiểm soát mức tương đối, khách du lịch cũng có những thay đổi về hành vi và phương thức tận hưởng du lịch. Ngay cả khách du lịch cũng yêu cầu môi trường lưu trú và nhân viên khách sạn phải tuân thủ những biện pháp an toàn và đảm bảo tiêm chủng đầy đủ để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe của du khách. Nhu cầu hạn chế tiếp xúc khi lưu trú tại khách sạn của du khách là rất cao, đây là cơ hội để phát triển khách sạn không chạm với các dịch vụ như: Sử dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) để phục vụ khách hàng có những trải nghiệm an toàn và mới mẻ (Tavitiyaman, Zhang, & Tsang, 2020); Sử dụng mã QR để vào phòng (mã này sẽ được cấp khi đặt phòng qua các trang web của khách sạn) (E. Chen, Ye, Miao, Fan, & Jiang, 2019; S.-H. Chen et al., 2021), các thiết bị hiện đại kết nối từ xa (Ali et al., 2021), hay sử dụng thanh toán trực tuyến (Sun, Law, & Schuckert, 2020) sẽ phù hợp với nhu cầu của khách đến du lịch nhưng vẫn đảm bảo vấn đề an toàn sức khỏe với trải nghiệm không chạm.

2.2. Khách sạn không chạm – Điểm mạnh và hạn chế

Theo CDC Vietnam (2021), các thao tác thủ công bằng bàn tay thường phải chạm và tiếp xúc với các bề mặt là con đường chính dẫn đến lây nhiễm Covid-19. Khách hàng có thể tiếp xúc với vi-rút ở mọi nơi chẳng hạn như tiếp xúc gần với các đối tượng bao gồm lễ tân, bảo vệ, nhân viên và những người lưu trú trong phạm vi 2 mét với tổng thời gian từ 15 phút trở lên. Vì vậy, để hạn chế sự lây nhiễm, những hạn chế tiếp xúc đều được chú ý trong thời gian gần đây. Và các doanh nghiệp du lịch cũng đang theo xu thế này. Theo Awan, Shamim, and Ahn (2021), các doanh nghiệp lớn hiện tại muốn duy trì và phát triển hầu hết đều định hướng ứng dụng công nghệ vào chiến lược kinh doanh của mình. Đặc biệt, với nhận thức của nhiều nhà lãnh đạo quyết định hướng đi và khả năng gia tăng hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực khách sạn hiện nay thật sự cần thiết. Khách sạn không chạm giải quyết nhiều nỗi lo của khách hàng, tạo nền tảng nâng cấp trải nghiệm khách hàng trong tương lai và hoàn toàn có thể phục hồi trạng thái hoạt động của doanh nghiệp trước Covid-19 (Bharwani & Mathews, 2021). Theo Kinhdoanhnet (2021), 80% người được hỏi sẵn sàng tải app của khách sạn để có thể check-in/check-out và nhận mọi thông tin mà không cần tiếp xúc trực tiếp với nhân viên, 73% người được hỏi sẵn sàng tải app tích hợp tính năng mở cửa phòng. Các hình thức check-in và check-out được ưa chuộng lần lượt là thông qua app khách sạn (62%), website khách sạn (30%), kiosk check-in/check-out (8%). Có thể thấy du lịch “không điểm chạm” hạn chế tiếp xúc đang dần trở thành nhu cầu cơ bản của khách du lịch. Có thể nhận thấy, khách sạn không chạm là mô hình khách sạn hoàn toàn mới tại Việt Nam. Khách du lịch khi đến khách sạn không chạm sẽ được trải nghiệm từ đặt, nhận và trả phòng khách sạn, mở cửa, hay gửi đồ hoàn toàn tự động.

Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ mới vào kinh doanh cũng có thể làm chậm tiến độ công việc nhưng lại đòi hỏi chi phí cao, đe dọa lợi nhuận của doanh nghiệp (Subaramaniam, 2020). Khách sạn phải trang bị những thiết bị hiện đại và tốt nhất để đáp ứng được tối ưu trải nghiệm của khách hàng. Nếu không có chiến lược cụ thể, khách sạn không chạm sẽ gặp nhiều khó khăn tài chính do tác động ngược và ảnh hưởng lợi nhuận. Việc nhận thức vai trò của ứng dụng công nghệ hiện đại mang lại hiệu quả cho công tác quản lý nhưng nhân sự khách sạn trình độ còn thấp kém. Do đó, để ứng dụng nền tảng tối ưu hiện đại thì đòi hỏi đội ngũ nhân lực có trình độ cao, thích nghi tốt để áp dụng trong dịch vụ khách sạn không chạm. Nhân viên cần được đào tạo và có sự hiểu biết sâu về công nghệ, sử dụng thành thạo và hướng dẫn khách hàng một cách thuận tiện, dễ dàng nhất. Yêu cầu kỹ năng giao tiếp chuyên nghiệp, thái độ và cách ứng xử, giải quyết các tình huống nhanh nhẹn, chu đáo với khách hàng (Park & Lehto, 2021). Ngoài ra, việc ứng dụng khách sạn không chạm cần phải có tính bảo mật dữ liệu thông tin cực cao của khách hàng để ngăn chặn thông tin riêng tư bị đánh cắp. Doanh nghiệp cần thiết lập được hệ thống để bảo mật tốt thông tin của khách hàng và khách sạn buộc phải cam kết không để lộ thông tin cá nhân của khách lưu trú. Việc đầu tư không chỉ về công nghệ mà còn vào trong việc an ninh mạng sẽ là gánh nặng tài chính cho những doanh nghiệp, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Theo góc nhìn khách du lịch, khi sử dụng dịch vụ công nghệ cao sẽ gây khó khăn cho một số đối tượng, tiêu biểu như là người lớn tuổi, người chưa thành thạo và ít được tiếp cận với các trang thiết bị hiện đại. Rất nhiều khách hàng đã quen với lối phục vụ khách sạn truyền thống nên khi tiếp cận mô hình khách sạn không chạm sẽ gây ra nhiều trở ngại. Đồng thời, khách hàng cũng phải đáp ứng yêu cầu về những thiết bị thông minh để tận hưởng mọi dịch vụ của khách sạn. Trong trường hợp khách du lịch phụ thuộc nhiều vào điện thoại máy tính hay các hình thức công nghệ thì khi một chiếc máy bị hỏng hoặc gặp sự cố, việc kết nối với cơ sở lưu trú không chạm sẽ gặp nhiều trở ngại.

2.3. Khả năng phát triển của khách sạn không chạm tại Vũng Tàu

Có thể nói Vũng Tàu là nơi lý tưởng để phát triển mô hình khách sạn không chạm. Ngay từ trước đại dịch, các công nghệ cảm ứng và tự động vốn đã được phát triển để nâng cao công suất và hiệu quả kinh doanh. Từ khi dịch bệnh bùng phát, nhu cầu áp dụng các công nghệ tiên tiến ngày càng gia tăng. Việc áp dụng các công nghệ cảm ứng không chạm tại khách sạn đang là một hướng phát triển mới trong bối cảnh thực tế mới, nhằm giữ khoảng cách an toàn giữa nhân viên và du khách. Tuy vậy, với mức doanh thu bị giảm sút do tình hình dịch, các chủ doanh nghiệp phải chọn lọc để ưu tiên áp dụng một số công nghệ vào việc kinh doanh.

Theo Sở du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (2021), Bà Rịa – Vũng Tàu có lợi thế với nhiều chủ trương kích cầu du lịch theo chính sách của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, du khách khi đến du lịch tại Vũng Tàu sẽ nhận được nhiều lợi ích về cơ sở vật chất và đầu tư chuyên sâu về khách sạn, và du khách sẽ có cảm giác thoải mái, gần gũi và dễ chịu. Với sự ra đời kịp thời của đội ngũ cảnh sát trật tự du lịch, thành phố Vũng Tàu đã bớt tình trạng ăn xin, chèo kéo khách du lịch, hay taxi dù. Người dân đã chú trọng hơn đến đời sống tinh thần thông qua các hoạt động du lịch, vui chơi giải trí. Mặc dù còn nhiều hạn chế về sản phẩm du lịch đặc thù song các hoạt động du lịch vẫn rất hấp dẫn du khách nội địa. Bên cạnh đó, lượng khách du lịch quốc tế đến với Vũng Tàu cũng cũng rất ổn định về số lượng và đa dạng từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm bình quân là 18%/năm, thành phố Vũng Tàu đã không ngừng vươn lên về mọi mặt để xứng đáng với vai trò là một đô thị tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh. Phát triển kinh tế tại TP. Vũng Tàu trong những năm qua không chỉ đạt được sự tăng trưởng cao mà còn bảo đảm những yêu cầu của sự phát triển bền vững, theo đúng định hướng, cơ cấu phát triển kinh tế của địa phương. Vũng Tàu là thành phố phát triển toàn diện được nhiều người biết đến, gắn liền với hình ảnh những bãi biển tươi đẹp, quyến rũ. Đây cũng là một trong những địa phương làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước. Đây được xem là một lợi thế để phát triển khách sạn không chạm theo xu hướng đảm bảo an toàn của du khách sau đại dịch Covid-19.

Sự phát triển của khoa học công nghệ đã giúp thị trường du lịch nghỉ dưỡng ở Bà Rịa – Vũng Tàu từng bước bắt kịp với sự phát triển của nhiều khu vực trên thế giới. Đây là loại nhân tố rất năng động, chứa đựng nhiều cơ hội đối với các doanh nghiệp, có ảnh hưởng lớn, trực tiếp cho chiến lược kinh doanh của các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có dịch vụ lưu trú. Các khách sạn đang dần được đồng bộ hóa hệ thống quản lý cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tìm kiếm. phục vụ và duy trì số lượng khách lưu trú và du lịch tại Vũng Tàu. Vấn đề ứng dụng công nghệ cũng có thể giải quyết được vấn đề khách du lịch chưa thể lưu trú vì lo ngại tiếp xúc với nhân viên trong thời điểm hiện tại, góp phần đẩy nhanh khả năng phục hồi của ngành khách sạn sau đại dịch.

Theo Stadler (2015), phù hợp với xu hướng du lịch mới, nhu cầu ngày càng tăng năng động đối với các ưu đãi đặc biệt dành riêng cho du lịch đại chúng, vì những người tiêu dùng có ý thức mong đợi các giải pháp được cá nhân hóa đáp ứng nhu cầu cá nhân của họ. Thông tin chi tiết về người tiêu dùng có thể được lưu trữ và theo dõi thông qua hệ thống khách sạn không chạm, để từ đó khách sạn có thể điều chỉnh khả năng phục vụ khách hàng theo sở thích. Các hệ thống sản phẩm và dịch vụ được cá nhân hóa mới này có sẵn nhờ các kỹ thuật theo dõi linh hoạt khác nhau như cơ sở dữ liệu khách hàng (CRM) (Mohammed & Rashid, 2012). Hệ thống cơ sở dữ liệu khách hàng CRM dựa trên đám mây, những hệ thống tạo phiếu mua hàng bằng cách phân tích hồ sơ bán hàng và dữ liệu nhân khẩu học trước đây đã phát triển nhanh chóng. Tập dữ liệu khổng lồ có thể được phân tích bằng các phương pháp phân tích dữ liệu lớn và mở rộng quy mô một cách hiệu quả về chi phí và ẩn danh, tìm kiếm các điểm sự kiện quan trọng. Mặc dù nghiên cứu dữ liệu lớn dựa trên việc làm việc với các mẫu lớn, nhưng đây là phương pháp hiệu quả nhất để tiết lộ sở thích cá nhân của từng cá nhân (Gupta & Sahu, 2021).

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, tạo ra cơ hội phát triển đột phá. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với vai trò là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước, điểm đến hấp dẫn của du khách, tích cực phát huy tiềm lực, phát triển hiệu quả dưới sự hỗ trợ của công nghệ số phát triển thông minh, hiệu quả thông qua mô hình khách sạn không chạm. Đại dịch Covid-19 dường như là sự chọn lọc, cần phải có sự phát triển của ngành khách sạn với tốc độ nhanh chóng, để có thể đáp ứng của xã hội. Các mô hình truyền thống đã được chuyển từ truyền thống sang hiện đại bằng sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Những đổi mới trong ngành khách sạn trong thời kỳ hậu Covid cần phải có sự kết hợp của (1) sản phẩm thay đổi từ vật lý sang kỹ thuật số, (2) phân phối thay đổi từ phân phối tập trung sang phân phối qua mạng xã hội và (3) dịch vụ thay đổi từ dịch vụ thụ động sang dịch vụ chủ động (cá nhân hóa dịch vụ).

Để đáp ứng thách thức về kỳ vọng ngày càng tăng của khách hàng, ngành khách sạn tại Vũng Tàu cần phải ứng dụng công nghệ không chạm càng nhanh càng tốt. Đầu tư vào công nghệ và internet vạn vật sẽ cho phép các nhà điều hành khách sạn nổi bật so với các đối thủ cạnh tranh, đáp ứng mọi kỳ vọng của khách và thu hút khách hàng mới. Công nghệ góp vai trò quan trọng trong việc cải thiện trải nghiệm của khách hàng. Với những tác động ban đầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành công nghiệp du lịch và khách sạn tại Vũng Tàu đang đứng trước cơ hội đổi mới mô hình phát triển. Nguồn tài chính ổn định, khả năng đầu tư từ các nguồn lực xã hội lớn, nhiều khách sạn mới được xây dựng cũng như khả năng thu hút khách du lịch nội địa (lợi thế gần TPHCM) và quốc tế (dự án sân bay Long Thành). Tận dụng được cơ hội này, du lịch Vũng Tàu sẽ có bước phát triển mang tính chất cách mạng, tạo ra những dịch vụ cá nhân nổi trội cho khách hàng. Nhu cầu khách sạn tăng cao đây là một lợi thế tiềm năng rất lớn cho việc phát triển khách sạn không chạm một sức hút mới lạ, khác biệt dành riêng cho du lịch Vũng Tàu. Tiềm năng du lịch đã kéo theo sự phát triển của ngành kinh doanh khách sạn không chạm tại Vũng Tàu một vùng đất màu mỡ với cái nôi quan trọng phát triển du lịch phía Nam.

2.3.          Khách sạn không chạm – những cơ hội sau đại dịch

2.3.1.   Đối với doanh nghiệp

Khách sạn không chạm sẽ mang nhiều lợi ích đối với doanh nghiệp. Đầu tiên, đây là một mô hình mới mở ra một nền tảng phù hợp với xu hướng hiện đại, là giải pháp quan trọng để khôi phục, phát triển lại du lịch Việt Nam theo hướng bền vững sau tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Đây cũng là một bước tiến vượt bậc từ kinh doanh truyền thống phát triển sang tiềm năng khách sạn không chạm phù hợp với bối cảnh “bình thường mới”. Thứ hai, khách sạn không chạm thu hẹp khoảng cách giữa các bộ phận trong doanh nghiệp khách sạn. Khi ứng dụng mô hình khách sạn không chạm này, sự liên kết thông tin được củng cố chặt chẽ, thuận tiện trong quản lý, kiểm soát nhân viên hiệu quả, để từ đó dễ dàng đánh giá chất lượng công việc của từng nhân viên qua số liệu báo cáo định kỳ. Bên cạnh đó, công nghệ trong ứng dụng không chạm của khách sạn giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh và hạn chế được sự quá tải trong công việc. Ngoài ra, khách sạn không chạm giúp doanh nghiệp khách sạn nắm bắt thông tin khách hàng một cách nhanh chóng, mang lại hiệu quả trong xử lý quá trình giao dịch.

Với mô hình khách sạn không chạm, khách sạn sẽ tập trung trong việc lấy khách hàng làm trung tâm và nâng cao khả năng cạnh tranh. Nếu doanh nghiệp sở hữu mô hình khách sạn không chạm sẽ có thể triển khai và vận hành khách sạn hoạt động hiệu quả và chất lượng. Doanh nghiệp tập trung vào trải nghiệm khách, duy trì mức độ hài lòng của khách trong suốt quá trình trải nghiệm đã luôn và sẽ được các chủ khách sạn ưu tiên hàng đầu. Khi khách hàng càng hài lòng, họ sẽ có xu hướng chi tiêu nhiều hơn và chắc chắn sẽ tiếp tục quay lại khách sạn trong thời gian tới. Sự đổi mới công nghệ khách sạn không chạm giúp doanh nghiệp nắm bắt những cơ hội tốt có thể đo lường những điểm mạnh để phát huy; đồng thời, xác định được điểm yếu để thay đổi và cải tiến cho phù hợp.

2.3.2.   Đối với khách hàng

Đối với khách du lịch, sự giải tỏa tâm lý kép bao gồm đề cao sự an toàn và giải tỏa áp lực mùa dịch sẽ là động lực để lựa chọn khách sạn không chạm. Khách sạn không chạm giải quyết được nỗi lo lắng của khách hàng về vấn đề an toàn sức khỏe như hạn chế tiếp xúc với nhân viên hay các vật dụng trong khách sạn. Giải quyết các vấn đề của khách hàng trong việc đặt phòng tự động, hỗ trợ tận tình phản hồi nhanh chóng, kịp thời, tạo điều kiện cho khách hàng đánh giá chất lượng dịch vụ; lưu trữ thông tin đã sử dụng dịch vụ của khách sạn để khi khách có nhu cầu quay trở lại thì khách hàng sẽ không mất thời gian tìm kiếm lại thông tin là những tính năng nổi trội mà khách sạn không chạm có thể hướng tới. Sử dụng khách sạn không chạm đem lại sự trải nghiệm mới mẻ, tận hưởng dịch vụ cao cấp và bắt kịp xu hướng. Khách du lịch cũng tiết kiệm thời gian, dễ dàng trong việc tìm phòng; đặt phòng, nhận phòng; thanh toán trực tuyến. Những trải nghiệm này không chỉ giúp khách hàng mở rộng tầm nhìn về trải nghiệm khách sạn không chạm, họ còn tin tưởng và đưa ra những góp ý cá nhân mới giúp doanh nghiệp ngày càng cải thiện và phát triển bền vững hơn.

3. Kết luận

Theo Sirait and Murdianingrum (2020), những ứng dụng công nghệ này có thể giúp khách hàng giảm bớt lo sợ và cải thiện trải nghiệm của họ khi sử dụng dịch vụ tại khách sạn. Khách hàng sử dụng dịch vụ sẽ hạn chế nhất có thể việc chạm tay vào các vật dụng tại khách sạn ngoại trừ chiếc điện thoại di động của mình. Các tiềm năng của công nghệ khách sạn không chạm là hứa hẹn đảm bảo an toàn và an ninh trong khi đến lưu trú tại khách sạn. Ứng dụng hiện đại khi khách sạn ứng dụng sẽ tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ, nâng cao chất lượng dịch vụ mang lại uy tín thương hiệu cho doanh nghiệp thông qua việc tăng tính trải nghiệm, giữ chân và thu hút khách hàng quay trở lại sử dụng dịch vụ của khách sạn trong lần tiếp theo. Việc đầu tư vào các khách sạn không chạm giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh với khách hàng khi họ lưu trú. Ứng dụng công nghệ không tiếp xúc ngay trong bộ máy vận hành có khả năng rất cao sẽ là chìa khóa giúp các khách sạn mở cánh cửa phục hồi trạng thái hoạt động ổn định và bước sang giai đoạn tăng trưởng, phát triển trở lại trong tương lai.

Việc phát triển khách sạn không chạm sẽ gia tăng những trải nghiệm tối ưu của du khách. Giúp khách hàng nhiều hơn trong việc ra quyết định đặt phòng cho chuyến du lịch của mình. Những kích thích, phấn khích khi tham gia lộ trình trải nghiệm trực tuyến với sự hỗ trợ của công nghệ đa dạng và vượt ngoài mong đợi của du khách sẽ giúp nâng cao tần suất quay lại và lặp lại hành vi mua. Khi hành vi này diễn ra liên tục với những trải nghiệm tích cực sẽ tạo thành thói quen và hình thành lòng trung thành của khách hàng, hướng đến sự phát triển mới và bền vững cho du lịch Vũng Tàu sau những chuyển biến khó lường của đại dịch.

Tài liệu tham khảo

Ajzen, I. (2011). The theory of planned behaviour: Reactions and reflections. Psychology & Health, 26(9), 1113-1127. doi:10.1080/08870446.2011.613995

Ali, B. J., Gardi, B., Othman, B. J., Ahmed, S. A., Ismael, N. B., Hamza, P. A., . . . Anwar, G. (2021). Hotel Service Quality: The Impact of Service Quality on Customer Satisfaction in Hospitality. International Journal of Engineering, Business and Management, 5(3). doi:10.22161/ijebm.5.3

Awan, M. I., Shamim, A., & Ahn, J. (2021). Implementing ‘cleanliness is half of faith’ in re-designing tourists, experiences and salvaging the hotel industry in Malaysia during COVID-19 pandemic. Journal of Islamic Marketing, 12(3), 543-557. doi:10.1108/JIMA-08-2020-0229

Bharwani, S., & Mathews, D. (2021). Post-pandemic pressures to pivot: tech transformations in luxury hotels. Worldwide Hospitality and Tourism Themes, 13(5), 569-583. doi:10.1108/WHATT-05-2021-0072

CDC Vietnam. (2021). COVID-19 in Vietnam. Retrieved from

Chen, E., Ye, A., Miao, F., Fan, W., & Jiang, Y. (2019). Design of Secure Enhanced Privacy Protection Electronic Hotel-card Based on QR Code. IOP Conference Series: Materials Science and Engineering, 565. doi:10.1088/1757-899x/565/1/012006

Chen, S.-H., Tzeng, S.-Y., Tham, A., & Chu, P.-X. (2021). Hospitality services in the post COVID-19 era: Are we ready for high-tech and no touch service delivery in smart hotels? Journal of Hospitality Marketing & Management, 30(8), 905-928. doi:10.1080/19368623.2021.1916669

Do, A. D., Nguyen, Q. V., Nguyen, D. U., Le, Q. H., & Trinh, D. U. (2020). Green supply chain management practices and destination image: Evidence from Vietnam tourism industry. Uncertain Supply Chain Management, 8, 371-379.

Gupta, V., & Sahu, G. (2021). Reviving the Indian hospitality industry after the Covid-19 pandemic: the role of innovation in training. Worldwide Hospitality and Tourism Themes, 13(5), 599-609. doi:10.1108/WHATT-05-2021-0065

Hoa, N. T., & Huy, D. T. N. (2021). Vietnam Tourism Services Development During and after Covid 19 Pandemic: Situation and Solutions. Geintec revista, 11(3).

Hussain, S., Ahmad, F., & Kareem, S. S. (2020). Expectations of Indian guests from Hotel Preparedness in COVID-19. Journal of Tourism, Hospitality & Culinary Arts, 12(3), 31-51.

Kinhdoanhnet. (2021). Kinh nghiệm của SOJO Hotels trong Thiết kế và Quản trị trải nghiệm khách hàng. Retrieved from

Lê Vũ. (2021). Bà Rịa – Vũng Tàu: Tìm giải pháp khôi phục kinh tế du lịch “hậu giãn cách”. Retrieved from

Lew, A. A., Cheer, J. M., Haywood, M., Brouder, P., & Salazar, N. B. (2020). Visions of travel and tourism after the global COVID-19 transformation of 2020. Tourism Geographies, 22(3), 455-466. doi:10.1080/14616688.2020.1770326

Mohammed, A. A., & Rashid, B. b. (2012). Customer Relationship Management (CRM) in Hotel Industry: A framework Proposal on the Relationship among CRM Dimensions, Marketing Capabilities and Hotel Performance. International Review of Management and Marketing, 2(4).

Nhật Nam. (2020). Lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm bởi dịch bệnh do COVID-19. Retrieved from

Park, S., & Lehto, X. (2021). Understanding the opaque priority of safety measures and hotel customer choices after the COVID-19 pandemic: an application of discrete choice analysis. Journal of Travel & Tourism Marketing, 38(7), 653-665. doi:10.1080/10548408.2021.1985038

Sirait, A., & Murdianingrum, S. L. (2020). Management Decision in Joining Hotel Network on Digital Marketing-Based For Financial and Non-Financial Impacts. Paper presented at the 23rd Asian Forum of Business Education.

Sở du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. (2021). DU LỊCH BÀ RỊA-VŨNG TÀU QUA 30 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN. Retrieved from

Sở du lịch tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. (2021). KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG NGÀNH DU LỊCH BÀ RỊA- VŨNG TÀU TRƯỚC DIỄN BIẾN CỦA ĐẠI DỊCH COVID 19. Retrieved from

Subaramaniam, K. (2020). The Impact of E-Wallets for Current Generation. Journal of Advanced Research in Dynamical and Control Systems, 12(01-Special Issue), 751-759. doi:10.5373/jardcs/v12sp1/20201126

Sun, S., Law, R., & Schuckert, M. (2020). Mediating effects of attitude, subjective norms and perceived behavioural control for mobile payment-based hotel reservations. International Journal of Hospitality Management, 84. doi:10.1016/j.ijhm.2019.102331

Tavitiyaman, P., Zhang, X., & Tsang, W. Y. (2020). How Tourists Perceive the Usefulness of Technology Adoption in Hotels: Interaction Effect of Past Experience and Education Level. Journal of China Tourism Research, 1-24. doi:10.1080/19388160.2020.1801546

Tổng cục thống kê. (2021). DOANH THU DU LỊCH LỮ HÀNH GIẢM SÂU DO DỊCH COVID-19. Retrieved from