Về hệ thống năng lực dạy học của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo tiếp cận năng lực thực hiện
Bài viết trình bày những nghiên cứu về hệ thống năng lực dạy học của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp theo tiếp cận năng lực thực hiện. Qua việc phân tích nghề, phân tích công việc, toàn bộ cấu trúc, nội dung của năng lực dạy học đã được làm rõ gồm: Năng lực thiết kế dạy học, năng lực tiến hành dạy học, năng lực kiểm tra, đánh giá dạy học và năng lực quản lý dạy học. Hệ thống năng lực dạy học này là cơ sở quan trọng để thiết kế, xây dựng các nội dung đào tạo nhà giáo giáo dục nghề nghiệp hiện nay, đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng.

Nhà giáo nói chung, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nói riêng có vai trò quan trọng trong phát triển nhân lực lao động kỹ thuật trực tiếp cho quốc gia. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định phát triển đội ngũ giáo viên là khâu then chốt để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hóa và hội nhập quốc tề [1].

Năng lực dạy học là một thành phần của năng lực sư phạm và là năng lực quan trọng nhất của nhà giáo GDNN. Theo tiếp cận năng lực thực hiện (NLTH), năng lực dạy học của nhà giáo GDNN trở thành chuẩn đầu ra, thành tiêu chí để xây dựng và đánh giá các năng lực dạy học trong đào tạo, bồi dưỡng nghiệp sư phạm.Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều quan niệm khác nhau về cấu trúc, nội dung năng lực dạy học của nhà giáo GDNN, dẫn đến việc xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm còn dàn trải, nặng về lý thuyết, ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo đội ngũ nhà giáo GDNN. Tiếp cận NLTH hướng vào sự thực hiện thành thục các nhiệm vụ, công việc dạy học của nhà giáo GDNN, chính là một tiếp cận khoa học về năng lực dạy học của nhà giáo GDNN.

1. Quan niệm về năng lực thực hiện

“Năng lực thực hiện” là thuật ngữ được dịch từ tiếng Anh (Competency hay Competence) hoặc tiếng Đức (Handlungskompetenz) dùng trong các tài liệu của nhiều tác giả trình bầy về quan điểm giáo dục, đào tạo theo tiếp cận NLTH. Theo nghĩa thông thường, “competency” được nhiều từ điển Anh – Việt dịch là năng lực, khả năng. Tuy nhiên, ngày nay, thuật ngữ này được các nhà khoa học mở rộng nội hàm, không dừng ở khả năng của con người mà là “cái làm cho con người có thể làm được các công việc của nghề đó” là “sự thực hiện thành công các công việc của nghề”[5].

Nghiên cứu gần đây về NLTH cho thấy: NLTH là kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết, được kết hợp nhuần nhuyễn, không tách rời để thực hiện được các nhiệm vụ, công việc cụ thể của một nghề theo chuẩn đặt ra, trong những điều kiện nhất định. Các thành tố của NLTH bao gồm: Kiến thức, kỹ năng, thái độ; chuẩn đánh giá và điều kiện để thực hiện công việc đó [3](sơ đồ 1).

Tiếp cận NLTH trong đào tạo nhà giáo GDNN là xem xét các nhiệm vụ, công việc của nghề dạy học trong một chỉnh thể thống nhất của NLTH, tích hợp giữa kiến thức, kỹ năng và thái độ để nhà giáo GDNN có thể hoàn thành được nhiệm vụ dạy học của mình. Nhà giáo thực hiện được các nhiệm vụ, công việc của nghề dạy học theo chuẩn đặt ra, có nghĩa là họ có năng lực thực hiện. Nhiệm vụ, công việc của nghề dạy học cũng chính là các năng lực dạy học của nhà giáo GDNN.

2. Năng lực dạy học của nhà giáo GDNN theo tiếp cận NLTH

Có nhiều nghiên cứu về năng lực dạy học của giáo viên. Có kết quả đưa ra 5 năng lực [6], có nghiên cứu đưa ra 7 năng lực [7]. Theo kết quả nghiên cứu từ việc phân tích nghề theo phương pháp DACUM cho thấy, nhà giáo GDNN có 3 năng lực chính:(1) Năng lực sư phạm; (2) Năng lực chuyên môn nghề và (3) Năng lực xã hội. Trong năng lực sư phạm lại có 2 năng lực chính: (1) Năng lực dạy học và (2) Năng lực giáo dục [3].

Năng lực dạy học là một trong hai thành phần của năng lực sư phạm và được biểu hiện cụ thể qua 4 năng lực thành phần là: Năng lực thiết kế dạy học; năng lực tiến hành dạy học, năng lực kiểm tra, đánh giá và năng lực quản lý dạy học (sơ đồ 2). Qua phân tích nghề, phân tích công việc còn cho thấy, trong mỗi nhóm năng lực lại có nhiều năng lực thành phần khác.

 

2.1. Năng lực thiết kế dạy học

Thiết kế dạy học là công việc quan trọng của người giáo viên trong hoạt động dạy học. Năng lực thiết kế dạy học được thể hiện qua một số năng lực cụ thể sau:

Text Box: a) Năng lực chuẩn bị thiết kế bài học

Để có thể chuẩn bị thiết kế dạy học được tốt, đòi hỏi người giáo viên phải có năng lực hiểu học sinh lớp được phân công giảng dạy; năng lực nghiên cứu chương trình, kế hoạch đào tạo; xác định được kỹ năng dạy học (nội dung dạy học); năng lực thu thập giáo trình, tài liệu; năng lực nghiên cứu tài liệu …

Trong nhiều năng lực kể trên, năng lực hiểu biết đối tượng (năng lực hiểu học sinh lớp được phân công dạy) là một trong những năng lực quan trọng của năng lực chuẩn bị thiết kế dạy học.

 Năng lực này thể hiện sự xác định khả năng nắm vững những kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo cần có trước liên quan đến bài học ở học sinh (để lựa chọn hoạt động học trong bước sau). Nhờ có năng lực này, người giáo viên dễ dàng xác định được kỹ năng kỹ xảo, thao động tác mới cần huấn luyện trong bài; Phân tích đặc điểm hoạt động của lớp học để có phương án tổ chức lớp; Phân tích các điều kiện thực hành hiện có để chuẩn bị phương án tổ chức lớp học hợp lý; Xác định những hạt nhân cho mỗi nhóm và cách tổ chức nhóm (nếu có thảo luận hoặc làm việc nhóm)

Vì vậy, biểu hiện trước hết của năng lực hiểu biết đối tượng là ở chỗ, người giáo viên biết xác định được khối lượng kiến thức đã có và mức độ, phạm vi lĩnh hội của học sinh, từ đó xác định mức độ, khối lượng kiến thức, kỹ năng mới cần giúp học sinh lĩnh hội.

b)  Năng lực thiết kế bài học

Thiết kế bài học là một quá trình có tính hệ thống để biến các nguyên tắc dạy học thành kế hoạch hoạt động dạy, hoạt động học và sử dụng, khai thác phương tiện, tài liệu học tập. Thiết kế bài học gắn với việc viết mục tiêu bài học, xác định nội dung và hoạt động dạy học, thiết kế các tài liệu học tập.

Theo tiếp cận NLTH, năng lực thiết kế bài học bao gồm các thành tố:

* Năng lực viết mục tiêu dạy học

Trong thực tế, có nhiều giáo viên rất muốn dạy thật tốt, nhưng do họ không có ý tưởng rõ ràng về cái đích cuối cùng phải đạt được sau bài dạy nên đến cuối buổi học, có nhiều học sinh thực hiện được, có một số học sinh thì không, điểu này chính là phụ thuộc vào năng lực viết mục tiêu bài học của họMục tiêu dạy học là tuyên bố về những gì học sinh phải hiểu rõ, phải làm được sau bài học.

* Năng lực xác định hoạt động dạy học

Hoạt động dạy và hoạt động học thống nhất với nhau trong cùng một quá trình và không hoạt động nào thay thế cho hoạt động nào. Hoạt động của người giáo viên không có mục đích riêng cho mình mà nhằm mục đích tạo ra hoạt động nhận thức tích cực của người học.

Hoạt động dạy học theo tiếp cận NLTH thường bắt đầu từ hoạt động của người học, do vậy năng lực này thể hiện ở việc xác định được những hoạt động của người học trong buổi học. Xác định được các hoạt động mà học sinh phải tiến hành cũng đồng nghĩa với xác định phương pháp dạy học, vì mỗi hoạt động của học sinh cần có ít nhất một hoạt động tương ứng của giáo viên để hướng dẫn, tổ chức, đánh giá các hoạt động đó.

* Một số năng lực khác

Ngoài các năng lực cơ bản trên, để chuẩn bị tốt việc dạy học đòi hỏi phải có các năng lực khác nữa như: Năng lực thu thập tài liệu; Năng lực ứng dụng công nghệ thông tin vào thiết kế bài học điện tử; Năng lực chuẩn bị đồ dùng, thiết bị dạy học; Năng lực thiết kế, chế tạo đồ dùng dạy học đơn giản v.v..

2.2. Năng lực tiến hành dạy học

Đặc điểm nổi bật của kỹ thuật dạy học theo tiếp cận NLTH là người dạy tổ chức và điều khiển hoạt động của người học nhằm lĩnh hội kiến thức, kỹ năng, hình thành thái độ nghề nghiệp, chứ không phải là áp đặt những thứ đó cho người học.

Năng lực tiến hành dạy học bao gồm một số năng lực thành tố sau:

a) Năng lực sử dụng các phương pháp dạy học

Mỗi một phương pháp dạy học, dù truyền thống hay hiện đại, đều nhấn mạnh lên một khía cạnh nào đó của cơ chế dạy học hoặc nhấn mạnh lên mặt nào đó thuộc về vai trò của người dạy. Chính vì thế mà không có một phương pháp giảng dạy nào được cho là lý tưởng, là tối ưu nhất trong dạy học. Mỗi một phương pháp đều có ưu điểm của nó. Điều quan trọng của năng lực này là người dạy biết khai thác, vận dụng, sử dụng một cách tối ưu, hiệu quả các phương pháp trong điều kiện có thể. Phương pháp dạy học truyền thống phải được kết hợp với các phương pháp dạy học hiện đại để phát huy tính tích cực của người học.

Như vậy, năng lực này đòi hỏi giáo viên phải biết vận dụng phương pháp dạy học một cách sáng tạo vào các nội dung bài giảng cụ thể.

b) Năng lực sử dụng phương tiện dạy học, thiết bị thực hành

Giáo viên phải có năng lực sử dụng thiết bị và phương tiện dạy học, biết đưa mô hình, học cụ cho người học quan sát đúng lúc, để tập trung sự chú ý của người học. Nếu khai thác được các phương tiện dạy học, thiết bị thực hành sẽ giúp cho người học tiếp cận với thực tế, giáo viên đỡ vất vả trong giờ lên lớp, giờ giảng sẽ trở nên hấp dẫn, người học chú ý vào nội dung bài giảng, hiệu quả giờ giảng sẽ tăng lên rõ rệt.

Nguyên tắc chung khi khai thác và sử dụng phương tiện dạy học đó là: Đảm bảo phục vụ thiết thực cho bài giảng; Sử dụng phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh; Sử dụng đúng lúc, đúng cách, đủ cường độ; Đảm bảo các quy tắc điều khiển và vận hành; Sử dụng phải an toàn.

c) Năng lực trình diễn kỹ năng (thao tác mẫu)

Các bước trình diễn kỹ năng bao gồm:

Bước một: Chuẩn bị hành động cần làm mẫu

Trong bước này cần có sự phân tích hành động cần biểu diễn thành các động tác, cử động…). Sắp xếp chúng thành trình tự hợp lý, xác định các yếu tố khó, các khâu chuyển tiếp, dự kiến các sai sót có thể xảy ra khi học sinh luyện tập; Chuẩn bị các phương tiện, dụng cụ cần thiết tương ứng; Định mức thời gian thực hiện và dự kiến những giải thích kèm theo; Dự kiến vị trí và các điều kiện biểu diễn để học sinh dễ quan sát.

Bước hai: Biểu diễn hành động (hay động tác) mẫu

Nêu rõ mục đích của hành động, trình tự thao động tác và yêu cầu kèm theo, kết quả cần đạt được (có thể dùng phim, ảnh minh họa), sau đó thực hiện:

(a) Biểu diễn hành động mẫu với tốc độ bình thường trong điều kiện tiêu chuẩn; (b) Biểu diễn hành động mẫu với tốc độ chậm, thể hiện rõ từng động tác, cử động, các khâu chuyển tiếp giúp học sinh quan sát ghi nhớ từng động tác, cử động một cách chính xác; (c) Biểu diễn lại vài lần các động tác phức tạp kết hợp với việc giải thích bằng lời và chỉ ra các sai sót thường gặp khi thực hiện chúng; (d) Biểu diễn tóm tắt lại toàn bộ hành động mẫu với tốc độ bình thường để học sinh có được biểu tượng về tiến trình các công việc.

Bước 3: Đánh giá kết quả biểu diễn bằng cách yêu cầu một vài  học sinh biểu diễn lại hành động mà giáo viên vừa thể hiện để xác định mức độ nắm vững động tác mẫu và tiến trình công việc.

d) Năng lực tổ chức học tập theo nhóm

Dạy học theo nhóm vừa là một hình thức dạy học vừa là một phương pháp dạy học tích cực đang được sử dụng phổ biến vì tính ưu việt của nó cả về mặt xã hội và về giáo dục. Tuy nhiên, muốn dạy học tương tác theo nhóm có kết quả, người giáo viên cần có các NLTH sau đây: a) Năng lực chuẩn bị: Đòi hỏi giáo viên phải có có khả năng chuẩn bị nội dung, về phương pháp dạy học, chuẩn bị tài liệu, phương tiện, thiết bị luyện tập, vị trí luyện tập v.v.. để đảm bảo cho hoạt động nhóm được thực hiện có hiệu quả; b) Năng lực tổ chức, quản lý: Đòi hỏi giáo viên phải biết thủ thuật chia nhóm theo yêu cầu của bài học và mục đích dạy học của mình. Theo dõi hoạt động của các nhóm (ghi biên bản, ghi chép, theo dõi,…), gợi ý kịp thời các vướng mắc của các nhóm , …

đ) Năng lực giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ

Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp của người giáo viên. Người giáo viên có ngôn ngữ rõ ràng, diễn cảm sẽ giúp cho người học hiểu bài tốt hơn, người học sẽ tập trung chú ý trong giờ giảng. Ngôn ngữ còn là yếu tố của tài năng sư phạm, nhiều nhà giáo GDNN nhờ có khả năng diễn đạt tốt mà làm cho người học dễ tiếp thu bài giảng.

Năng lực giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ là năng lực biểu đạt rõ ràng, mạch lạc ý nghĩ và tình cảm của mình bằng lời nói cũng như nét mặt, cử chỉ, điệu bộ. Năng lực này đòi hỏi giáo viên phải chú ý đến cả nội dung và hình thức biểu đạt, cụ thể: a) Về nội dung: Ngôn ngữ phải chứa đựng mật độ thông tin lớn, diễn tả, trình bày phải chính xác, cô đọng, súc tích. Lời nói phải phản ánh được tính kế tục, đảm bảo thông tin logic; b) Về hình thức: Ngôn ngữ giản dị, sinh động, giàu hình ảnh, có ngữ điệu, sáng sủa, biểu cảm với cách phát âm mạch lạc trong đó không có những sai phạm về tu từ học, về ngữ pháp, về ngữ âm. Hình thức trình bày sao cho dễ hiểu, có chiều sâu về tư tưởng, có sức lay động tâm hồn người học.

e) Năng lực xử lý tình huống sư phạm

Tình huống sư phạm là hiện tượng, sự việc xẩy ra trong quá trình giáo dục mà giáo viên phải giải quyết. Trong thực tế dạy học có rất nhiều loại tình huống sư phạm xảy ra như: a) Các tình huống về kiến thức, kỹ năng; b) Các tình huống về tư thế, tác phong, trang phục của giáo viên như giáo viên; c) Các tình huống về cách ứng xử của học sinh.

Hoạt động dạy học và giáo dục luôn diễn ra hết sức phức tạp, đa dạng, vì vậy đòi hỏi người giáo viên phải có năng lực kiểm soát, quản lý, dự kiến và giải quyết tốt các tình huống sư phạm nảy sinh, đáp ứng được yêu cầu của dạy học và giữ được uy tín cho giáo viên.

2.3. Năng lực kiểm tra, đánh giá dạy học

Năng lực này đòi hỏi việc kiểm tra, đánh giá phải đảm bảo tính khách quan, công bằng và chuẩn xác. Làm được như thế thì uy tín của người giáo viên sẽ được tăng lên, tạo ra được niềm tin của người học. Ngoài việc đánh giá kết quả học tập của học sinh người giáo viên phải biết tự đánh giá những thành công, hạn chế của từng bài giảng để có biện pháp khắc phục.

Để đánh giá kết quả học tập của người học được khách quan, công bằng và chuẩn xác, đòi hỏi giáo viên phải có năng lực biên soạn công cụ đánh giá, năng lực sử dụng các công cụ đánh giá, năng lực phân tích các minh chứng đánh giá,… vận dụng thành thạo và linh hoạt các phương pháp và kỹ thuật kiểm tra, đánh giá theo tiếp cận NLTH.

2.4. Năng lực quản lý dạy học

Năng lực quản lý dạy học thể hiện ở việc người giáo viên phải biết thu thập thông tin để lập các kế hoạch, lịch trình, thời gian biểu cho cho hoạt động dạy học (lập kế hoạch); biết huy động, phân phối, tổ chức các nguồn lực, quản lý lớp học để thực hiện tốt các hoạt động dạy học (tổ chức thực hiện); hướng dẫn, điều hành công việc học tập trong lớp, nhóm, đảm bảo tiến trình và thời gian dạy học để việc dạy học đạt mục tiêu dạy học đã đề ra (chỉ đạo, điều khiển). Mặt khác, phải biết tự kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm cho việc dạy học của mình.

Như vậy, theo tiếp cận NLTH, thông qua việc phân tích nghề, phân tích công việc theo phương pháp DACUM, hệ thống năng lực dạy học của nhà giáo GDNN đã được xác định rõ cả về cấu trúc, nội dung, thể hiện tính khoa học và thực tiễn cao (sơ đồ 3). Hệ thống năng lực dạy học của nhà giáo GDNN là sự phản ảnh toàn bộ các nhiệm vụ, công việc dạy học hàng ngày của nhà giáo GDNN trong một hệ thống thống nhất, chặt chẽ, logic. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để thiết kế, xây dựng các nội dung đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo GDNN, hướng tới sự thực hiện thành thạo các công việc của nghề./.

TS. Vũ Xuân Hùng

Viện trưởng Viện Nghiên cứu KHDN

(Bài đã được đăng trên Tạp chí khoa học dạy nghề số 30- Tháng 3/2016)